Doanh nghiệp bán lẻ chuyển mình cạnh tranh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cuối năm 2008, khi hàng loạt nhà bán lẻ nước ngoài khai trương các trung tâm mua sắm mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động các cơ sở có từ trước đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước hết sức lo ngại. Để thích ứng với môi trường cạnh tranh trong điều kiện mới, nhiều nhà bán lẻ trong nước đang cố gắng khai thác các thế mạnh riêng…

Giá thấp không phải là tất cả!

Có thể thấy thế mạnh của hệ thống bán lẻ nước ngoài là cách trưng bày hàng hóa bắt mắt, nguồn hàng phong phú, giá cả thường cạnh tranh hơn… thế nhưng không phải không có những điểm hạn chế. Rất nhiều người thích thú khi mua sắm ở Metro vì giá rẻ nhưng cũng rất nhiều người phản ứng vì thái độ lạnh nhạt và đôi lúc quá tay của nhân viên kiểm soát hàng hóa ở lối ra. Tương tự, rất nhiều người thích cách bài trí hàng hóa dễ tìm và nhiều mặt hàng nhãn hiệu riêng của Lotte Mart, thế nhưng điểm hạn chế của nơi này do cho thuê mặt bằng quá nhiều nên không kiểm soát được chế độ giá cả cạnh tranh…

Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng đều nhìn nhận, thái độ phục vụ của các siêu thị nội địa gần đây ngày càng thân thiện hơn. Chị Hoàng Tuyết Nga (nhà ở quận 3- TPHCM) nhận xét: Chỉ cần tới quầy tính tiền với hàng hóa cồng kềnh, là ngay lập tức nhân viên của Co.opMart đon đả: “Chị có cần giao hàng miễn phí tận nhà không?” là đã thấy mát ruột.

Theo bà Nguyễn Ánh Hồng, Giám đốc hệ thống Maximark: Một trong những thế mạnh của các DN bán lẻ trong nước là hiểu người tiêu dùng VN hơn ai hết. Chính vì vậy, đa số các siêu thị nội địa đều áp dụng chính sách “người quản gia của gia đình”. Nghĩa là căn cứ theo phần đông khách hàng của mình là đối tượng nào để phục vụ. Đối với khách hàng thu nhập thấp thì chú ý đến giá cả, đối với khách hàng thu nhập ổn định thì phải hướng đến cách phục vụ tận tình. Bà Hồng cho rằng: Giá thấp không phải là điều kiện duy nhất để khách hàng tìm đến siêu thị. Theo kết quả khảo sát do siêu thị Maximark thực hiện mới đây, bên cạnh giá cả thì khách hàng còn mong muốn được phục vụ với thái độ thân thiện, cởi mở. Ngoài ra, một bộ phận lớn người tiêu dùng có thu nhập khá vẫn muốn mua sắm hàng hóa đặc trưng không phụ thuộc nhiều vào giá cả nên đây cũng là “chiêu” mà các siêu thị nên triển khai…

Các kế hoạch dài hơi

Không chỉ chú ý cung cách phục vụ để lấy lòng khách hàng, Saigon Co.op còn có những kế hoạch dài hơi trong tình hình cạnh tranh bán lẻ ngày càng gay gắt. Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, ông Nguyễn Ngọc Hòa, cho biết đơn vị ông vừa đầu tư 3 triệu USD để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin liên kết tất cả các siêu thị nhằm thống nhất cách quản lý để có thể điều hành hiệu quả. Bên cạnh đó, năm nay Saigon Co.op sẽ đầu tư trang bị hệ thống tổng kho, vận chuyển; tăng cường liên doanh với các đối tác VN liên quan đến vốn, sản xuất, đặt hàng, xây dựng trung tâm thương mại… “Đến năm 2010, sẽ có 50 siêu thị và năm 2015 sẽ có 100 siêu thị phủ đều trên toàn quốc cũng là chiến lược dài hơi mà Saigon Co.op nhắm đến” – ông Hòa khẳng định.

Bà Nguyễn Ánh Hồng cho rằng: Không chỉ phát triển thực phẩm (chiếm 70% doanh số bán lẻ), siêu thị vừa khởi công xây dựng khu trung tâm thương mại cao cấp 6 tầng ngay cạnh khu vực tự chọn, bày bán những sản phẩm phi thực phẩm mà theo dự báo cũng là những mặt hàng cạnh tranh không kém phần quyết liệt với đại gia phân phối, bán lẻ nước ngoài.

Khuyến mãi… phiền toái

Cận Tết Nguyên đán, nhận được e-mail của Parkson thông báo chương trình tặng 100.000 đồng cho khách mua hàng trị giá 1 triệu đồng, rất nhiều người đã đến mua sắm. Thế nhưng kiểu phục vụ của nơi này khiến không ít người phiền lòng.

Chị Như Hoa (quận 7- TPHCM) kể: Tôi mua một váy đầm tại gian hàng Noir giá 900.000 đồng thì được nhân viên cho biết mua đúng 1 triệu đồng sẽ được tặng 100.000 đồng nhưng chỉ áp dụng thanh toán chung một hóa đơn. Thế là chị Hoa đành phải để hàng lại và đến gian hàng khác mua thêm hai món đồ chơi trị giá hơn 800.000 đồng. Do chỉ thiếu 300.000 đồng là đủ 2 triệu đồng để nhận được 200.000 đồng nên chị phải mua thêm một sản phẩm nữa. Chị đề nghị được gửi hàng ngay quầy tính tiền để đỡ phiền nhân viên bán hàng của từng gian hàng thì được biết quy định bắt buộc nhân viên bán hàng phải đến tính tiền cùng với khách. Chị Hoa đành phải sang gian hàng An Phước mua thêm một áo sơ mi rồi quay trở lại hai gian hàng Noir và đồ chơi trẻ em để gọi nhân viên bán hàng đi theo tính tiền. Tưởng đã xong nhưng nhân viên quầy tính tiền lại hướng dẫn chị Hoa phải đến khu dịch vụ khách hàng viết tên vào danh sách để nhận phiếu 100.000 đồng, rồi quay lại quầy tính tiền thì mới được giảm giá. Rất nhiều khách hàng cũng bị “hành” như chị Hoa và đều bức xúc “kiểu tặng như vậy chẳng ai ham!”.

Vào ngày mùng 1, 2, 3 Tết, Parkson cũng triển khai chương trình lì xì đầu năm 100.000 đồng cho khách mua hàng trị giá 500.000 đồng; tình trạng trên vẫn lặp lại khiến nhiều người đã chọn hàng nhưng quyết định không mua nữa…

Mai Vân
Nguồn: Báo điện tử Người Lao động