Doanh nghiệp bỏ lơ trọng tài
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giải quyết bảy vụ một năm đã là may!

Năm 2007, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận và giải quyết trên 30 vụ tranh chấp. Trong khi đó, Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM chỉ nhận và giải quyết được bảy vụ tranh chấp. Số vụ giải quyết ít đã đành, buồn hơn là trong số bảy vụ đó chỉ có ba vụ ghi đúng tên trung tâm. Thậm chí trước năm 2007, hầu hết các hợp đồng đều ghi thành “Trọng tài kinh tế TP.HCM”. Theo ông Nguyễn Văn On, Chủ tịch trung tâm này, điều đó cho thấy doanh nghiệp chưa quan tâm lắm đến việc giải quyết tranh chấp. Dù vậy, con số bảy vụ trong năm 2007 vẫn cao hơn hẳn các năm trước và lạc quan hơn nhiều trung tâm trọng tài khác.

Cũng sáng qua, Viện Khoa học pháp lý cũng làm việc với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Qua buổi làm việc, giáo sư- tiến sĩ Lê Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cho biết hầu như doanh nghiệp không hề quan tâm đến điều kiện giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, nhất là giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay không. Thậm chí các hợp đồng mà doanh nghiệp sử dụng là mẫu hợp đồng đã cũ, có hợp đồng chỉ dài vỏn vẹn hai trang. Chính vì doanh nghiệp chưa để ý ngay từ đầu nên khi tranh chấp xảy ra, các bên chủ yếu kéo nhau ra tòa án giải quyết, “bỏ rơi” trọng tài.

Mở rộng quyền của trọng tài

Ngoài việc bị doanh nghiệp “quên”, trọng tài còn chịu “lép” vì thẩm quyền giải quyết của trọng tài còn quá hẹp. Thạc sĩ Trịnh Thị Bích, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM, cho biết hiện nay rất nhiều lĩnh vực mới, tranh chấp mới phát sinh liên quan đến kinh tế, thương mại nhưng trọng tài chỉ biết… đứng nhìn. Ví dụ: Tranh chấp về mua bán bất động sản giữa doanh nghiệp địa ốc với người mua nhà, tranh chấp giữa các thành viên trong công ty, tranh chấp cổ phiếu, trái phiếu… Toàn chuyện kinh tế, thương mại và khá tế nhị nên các bên tranh chấp cũng muốn giải quyết kín chứ không muốn ra tòa án xử công khai. Thế nhưng trọng tài có được giải quyết tranh chấp cổ phiếu, trái phiếu hay không thì vẫn chưa rõ.

Bà Bích cho rằng phải mở rộng phạm vi hoạt động của trọng tài. Theo bà Bích, khi xây dựng Luật Trọng tài, không nên quy định trọng tài được giải quyết những vụ việc nào, lĩnh vực nào mà nên quy định theo hướng loại trừ. Ví dụ: Liệt kê những lĩnh vực không cho trọng tài tham gia như hôn nhân, con nuôi, hộ tịch… Thậm chí nên xem trọng tài có quyền và nghĩa vụ như thẩm phán. Bà Bích so sánh hiện nay nhân viên công chứng (của nhà nước) và nhân viên công chứng của công chứng tư đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Tại sao trọng tài cũng như thẩm phán, cùng mang trọng trách là đứng ra xét xử mà trọng tài lại không bằng thẩm phán?

Doanh nghiệp nên “để mắt” đến trọng tài

Bên lề hội thảo, nhiều dẫn chứng về tranh chấp thương mại được đưa ra với khuyến cáo doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến việc tìm hiểu trọng tài, các quy định về trọng tài và giải quyết tranh chấp để tránh những cạm bẫy trong thương mại.

Đã có doanh nghiệp Việt Nam suýt bị lừa vì tin trọng tài ngoại. Doanh nghiệp này ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp Malaysia, trong đó thỏa thuận nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng trọng tài Malaysia. Khi tranh chấp xảy ra, đối tác đưa hội đồng trọng tài từ Malaysia sang Việt Nam để xử. Xử xong, hội đồng này ra quyết định hẳn hoi. Vì là trọng tài nước ngoài ra quyết định nên quyết định này phải qua thủ tục công nhận của tòa án thì mới được thi hành. May sao, tòa án kiểm tra lại thông tin thì phát hiện ra không có trung tâm trọng tài với tên đó, không có trụ sở, không có dấu tích gì. Khi nhờ cảnh sát quốc tế tìm hiểu thì phát hiện ra không có ai trong “hội đồng trọng tài” nói trên có tên trong danh sách trọng tài viên của Malaysia. Toàn bộ đều do doanh nghiệp Malaysia dựng nên. Mới đầu, phía Malaysia giãy nảy đòi kiện cả tòa án. Thế nhưng khi biết có cảnh sát quốc tế tham gia thì họ rút lui. Suýt nữa thì doanh nghiệp Việt Nam bị một cú lừa mất trắng tiền.

Tại một tỉnh miền Trung, có vụ kiện được đưa ra tòa. Tòa án thụ lý xong, khi đưa ra xử mới biết phải trả lại hồ sơ vì thẩm quyền xử thuộc về trọng tài. Sở dĩ có chuyện này là vì khi nộp hồ sơ kiện cho tòa, bên nộp đã đưa ra bản hợp đồng tiếng Việt. Thực ra hợp đồng gốc bằng tiếng Anh và có phần thỏa thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp nhưng khi dịch sang tiếng Việt thì bị cắt mất phần thỏa thuận này! Trong vụ đó, nếu bên bị kiện mà không “cứng” về luật là coi như bỏ luôn trọng tài!

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM