Doanh nghiệp chạy đôn đáo để xuất khẩu cuối năm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc họp của Bộ Công thương với các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) diễn ra chiều 4/12 tại TP HCM, nhiều đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp được nêu ra. Doanh nghiệp đề nghị để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu trong tháng cuối năm này, Bộ cần có những biện pháp thiết thực tập trung sức hỗ trợ hiệu quả cho những ngành, những địa phương có thế mạnh mang lại kim ngạch xuất khẩu cao.

Đại diện một doanh nghiệp FDI Khu chế xuất – Khu Công nghiệp TP HCM cho rằng: “Kim ngạch xuất khẩu thành phố chiếm 20-25% cả nước. Vì vậy, cần phải phối hợp dồn sức phát triển khu vực này. Không chỉ hải quan, thuế, tài chính mà các hoạt động dịch vụ cảng, logistic hiện vẫn chưa thực sự đảm bảo đáp ứng được yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp”.

Ngoài ra, hệ thống hải quan điện tử, sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề cũng như giữa các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực cũng chưa thật sự hiệu quả, để có thể cùng giúp sức vượt qua những khó khăn trong tình hình hiện nay. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn những hạn chế như chất lượng hàng xuất khẩu chưa đạt, không cạnh tranh nổi, thị trường ngày càng bị thu hẹp.

Một vấn đề đáng lo ngại trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay làm tăng nhập siêu là có nhiều doanh nghiệp FDI bề ngoài làm hàng gia công cho công ty ở nước ngoài, thực hiện các đơn hàng cho công ty mẹ; nhưng mục đích chính là để nhập thiết bị máy móc từ công ty mẹ. Lượng thiết bị máy móc này nhập vào VN khá lớn và phải trả cho công ty ở nước ngoài bằng USD, trong khi đó, số hàng xuất khẩu không đáng kể, giá trị kinh tế rất thấp. Theo các doanh nghiệp, đây là nguyên nhân làm tăng nhập siêu, đồng thời tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh không lành mạnh.

Quy định cấp C/O cho doanh nghiệp dệt may hiện nay cũng khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp trở ngại, vì tạo ra nhiều vướng mắc về thủ tục hành chánh và phát sinh nhiều chi phí. Theo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc quy định xét cấp C/O cho những lô hàng trước khi thông quan như hiện nay là không hợp lý vì số lượng hàng đăng ký xuất khẩu và lượng hàng doanh nghiệp thực xuất thường không khớp nhau.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp phải lo “chạy” để xin nợ lại C/O. Trong tình hình khó khăn hiện nay, những vướng mắc này càng làm doanh nghiệp thêm nặng gánh. Giám đốc một công ty dệt may Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore kiến nghị cơ quan chức năng xem xét cho phép doanh nghiệp xin cấp C/O khi hàng hóa đã thông quan. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết cơ quan chức năng đang trong quá trình xem xét để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Một vấn đề khác cũng gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp, là hiện nay một số khách hàng nước ngoài yêu cầu bán hàng qua kho ngoại thương. Hàng hóa xuất khẩu của VN theo đó phải được chuyển trước ra kho nước ngoài, đến khi khách hàng có nhu cầu mới tiến hành giao hàng. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn, các doanh nghiệp phải cố gắng đáp ứng, chấp nhận thua thiệt. Hải quan thì cho rằng hoạt động này không thuộc phạm vi quản lý của Cục này.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 4,8 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tính cả dầu thô) đạt khoảng 2,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ 2007. Đặc biệt, các mặt hàng như than đá, cà phê, hạt tiêu, điều tiếp tục giảm cả về khối lượng và giá trị.

So với thời điểm giữa năm, giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, dầu thô đã giảm mạnh từ 30-60%. Kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm trong 4 tháng vừa qua: Tháng 7 đạt 6,55 tỷ USD, tháng 8: 6,02 tỷ USD, tháng 9: 5,27 tỷ, tháng 10: 5,04 tỷ, đến tháng 11 ước đạt chỉ còn 4,8 tỷ USD.

Các đơn hàng xuất khẩu dệt may, hạt điều, đồ gỗ vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm xuống còn 20-30%. Đặc biệt hàng thủy sản xuất khẩu thị trường Nga bị ứ đọng do khách hàng không có khả năng thanh toán. Nhiều hợp đồng đã ký bị hoãn xuất khẩu, lùi thời gian giao hàng đến tận năm sau.

Trong năm 2008, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp VN đều gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại một số địa phương, các doanh nghiệp khối FDI đóng góp khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu. 4 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên 2 tỷ USD là Đồng Nai (4,6 tỷ USD), TP HCM được 4,3 tỷ, Bình Dương thu về 4 tỷ, và Hà Nội trên 2 tỷ USD. Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đạt doanh số xuất khẩu lớn trong 10 tháng đầu năm như: Canon VN (524 triệu USD), Pou Yuen (462 triệu), Fujitsu (409 triệu)…

Chỉ tiêu Quốc hội đề ra tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm tới đạt 13%, tương đương kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,2 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 42-45%.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu trong năm 2009 sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể đạt được mục tiêu trên; đồng thời nhìn nhận việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, thuận lợi hóa các khâu có liên quan đến thủ tục xuất khẩu như thủ tục thuế, hải quan, còn chậm.

Đối với doanh nghiệp FDI, đại diện Bộ hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan cấp phép địa phương cấp phép quyền kinh doanh xuất nhập khẩu và quyền phân phối nhanh chóng, thuận lợi để đảm bảo cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào và nguồn hàng xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress