Doanh nghiệp công nghệ tuyển dụng lượng lớn nhân lực
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Samsung, LG, Foxconn, HCL… vẫn mở các đợt tuyển dụng nhân lực lớn, nhằm đảm bảo đơn hàng và kế hoạch mở rộng sản xuất.

Việt Nam đang trở thành căn cứ đầu tư mới của các hãng công nghệ lớn trên thế giới.

Tuyển dụng lượng lớn nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông

Trong thông báo mới nhất vào đầu tháng 9/2021, Samsung Việt Nam cho biết, Công ty đang tuyển dụng 1.000 nhân sự làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Ninh. Một số nguồn tin cho biết, Samsung dự định mở rộng quy mô hoạt động của nhà máy tại Bắc Ninh để nâng sản lượng điện thoại Z Fold và Z Flip lên 25 triệu chiếc mỗi năm.

Trước đó, Samsung thông báo tuyển dụng 3.000 nhân sự làm việc tại nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên.

Samsung cũng đang trong quá trình xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội với quy mô nhân sự khoảng 2.200 – 3.000 người, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022.

Còn LG Display Việt Nam, sau khi quyết định tăng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư vào dự án tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, cũng vừa thông báo tuyển thêm 5.000 lao động sản xuất, với thu nhập trung bình 8,5 – 11,6 triệu đồng/tháng, tùy vị trí.

“Do ảnh hưởng của Covid-19, nhà máy chỉ tuyển nhân sự trên địa bàn Hải Phòng, ứng viên ở ngoài tỉnh tạm thời chưa thể đăng ký đợt này”, LG Display thông báo.

Trong khi đó, Foxconn cũng đang tuyển dụng thêm hơn 1.000 công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, kỹ sư tại Việt Nam. Đầu năm 2021, Foxconn đã đầu tư dự án sản xuất iPad và MacBook, với vốn đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang và đang lên kế hoạch đầu tư thêm 700 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2022, sau khi đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào thị trường này.

HCL Ấn Độ cũng đã lập văn phòng tại Việt Nam và đang tuyển dụng bộ máy với 3.000 nhân viên. HCL là tập đoàn công nghệ trong Top 3 Ấn Độ. Năm 2020, HCL có doanh thu gần 10,2 tỷ USD, là đối tác của 168.977 doanh nghiệp hoạt động tại 50 quốc gia.

Việt Nam đang trở thành căn cứ đầu tư mới của các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Xu hướng dịch chuyển sản xuất sản phẩm công nghệ tới Việt Nam đang ngày càng rõ ràng hơn. Theo chân Samsung, LG, Nokia, Inter…, năm 2021, hàng loạt “ông lớn” công nghệ đã lên kế hoạch mở nhà máy tại Việt Nam, như Xiaomi, Oppo, Sharp, Nintendo, Komatsu, Lenovo…

Điều đó đồng nghĩ với việc Việt Nam sẽ cần đến một nguồn nhân lực khổng lồ để đáp ứng nhu cầu mở rộng, xây mới nhà máy sản xuất trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Hiện tại, số lượng nhân lực làm việc trong doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông tại Việt Nam là 1,05 triệu người, tăng 20.000 người so với năm 2020. Nhưng sự tăng trưởng này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tăng cao hiện nay.

Vẫn thiếu số lượng lớn nhân lực công nghệ thông tin

Theo Báo cáo thị trường của TopDev, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin và năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực công nghệ thông tin do nhu cầu thị trường tăng cao.

Còn Navigos Goup đánh giá, dù dịch Covid-19 khiến ngành công nghệ thông tin gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân sự, nhưng dự kiến năm 2021, một số công ty trong lĩnh vực này sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng 20 – 25%. Các yêu cầu tuyển dụng từ các công ty công nghệ thông tin thường tập trung vào các ứng viên người Việt.

Ông Nguyễn Hữu Bình, CEO của TopDev cho rằng, thị trường cũng như nhu cầu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin đang có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam đang ngày một mở rộng cánh cửa hợp tác với các công ty công nghệ nước ngoài. Bên cạnh đó, xu hướng đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam cũng khiến nhu cầu về nhân sự ngành công nghệ thông tin tăng cao.

Ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập của FUNiX cho biết, các công việc trong ngành công nghệ thông tin tăng trưởng tới 47%/năm trong những năm qua, nhưng các đơn vị đào tạo chính thống về công nghệ thông tin chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.

“Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự trầm trọng hiện nay, rất cần có sự phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo phi truyền thống”, ông Nam cho biết.

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông cho biết, một trong những nguyên nhân khiến lực lượng lao động, nhân sự thiếu hụt là do dịch bệnh Covid 19. Nhân viên gặp dịch bệnh bỏ về quê, số khác tuân thủ giãn cách, nên không được đến công ty làm việc trực tiếp, số khác nhiễm bệnh…, khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông thiếu hụt lao động, không thể tổ chức sản xuất.

Theo bà Hồ Thị Tú Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty Intel Việt Nam, vấn đề ổn định lực lượng lao động để giữ vững sản xuất đang là mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp. Intel đang đề xuất cho phép tăng thêm 100 giờ làm ngoài giờ trong năm 2021 để đáp ứng sản xuất đang gặp khó khăn về lao động hiện nay, đồng thời tránh vi phạm Bộ luật Lao động. Cùng với đó, Intel đề xuất sớm triển khai cơ chế hộ chiếu vắc-xin để các chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin có thể vào Việt Nam làm việc, đặc biệt là để đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật tại Việt Nam. 

Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng dù chưa đạt được mức tăng như những năm trước. Tổng doanh thu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông năm 2020 đạt 123,5 tỷ USD, tăng 9,32% so với năm 2019 (đạt hơn 112,566 tỷ USD).