Doanh nghiệp dệt may ứng phó với chi phí đầu vào tăng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may đều có đơn hàng dồi dào đến hết quý II, thậm chí cả năm. 3 thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, EU và Nhật Bản đều tăng trưởng tốt. Riêng thị trường Nhật Bản, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất và sóng thần nên có thể sẽ có điều chỉnh nhập khẩu trong thời gian tới. Ngành dệt may Việt Nam cung cấp hàng cho Nhật Bản hơn 30 năm nay, các doanh nghiệp hiện vẫn hoàn thành đơn hàng và giao đúng hạn cho các đối tác.

Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức do giá nguyên liệu trên thế giới tiếp tục tăng cao. Đặc biệt, giá bông đã lên tới hơn 5 USD/kg – mốc giá chưa từng có trong lịch sử ngành dệt may thế giới và cao hơn nhiều so với đỉnh hơn 4 USD/kg trong năm 2010. Sự bất ổn về giá nguyên liệu gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, những hợp đồng ký kết dài hạn tiềm ẩn khó khăn nếu đã cố định về giá. Ông Lê Tiến Trường nhận định, trong quý I vừa qua, bức tranh của ngành dệt may Việt Nam đan xen các gam màu sáng, tối. Trong đó gam màu tối khiến doanh nghiệp trăn trở nhất là giá nguyên liệu đầu vào và lãi suất vốn vay để duy trì sản xuất, phục vụ vốn lưu động của các doanh nghiệp đều tăng cao. Muốn bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành dệt may trong năm 2011, phải có biện pháp quản lý chặt hơn nữa đối với hai yếu tố nêu trên. 

Để kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tăng trưởng tín dụng. Hiện thực này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh vận động nội tại theo hướng rà soát khả năng sử dụng vốn lưu động, có thể tính đến phương án giảm vốn lưu động thông qua giảm tồn kho, giảm ngày nợ trên thị trường hoặc thương thảo với nhà cung cấp giãn ngày nợ cung cấp nguyên liệu… Ở những khâu này vẫn còn dư địa có thể giúp doanh nghiệp rà soát lại phương pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Thúy Đạt Nguyễn Văn Châu chia sẻ, tình hình hiện nay buộc doanh nghiệp phải tính toán các biện pháp tiết giảm chi phí vì bạn hàng không chấp nhận tăng giá theo tốc độ giá leo thang từng ngày. Doanh nghiệp phải từng bước khắc phục, có thể bàn với bạn hàng mua hàng trả trước một phần để doanh nghiệp có nguồn vốn, hoặc đề nghị phía bán hàng cho doanh nghiệp chậm trả…

Đồng cam cộng khổ trong lúc này có lẽ là biện pháp sống còn đối với các doanh nghiệp.

Theo Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt thì giá nguyên liệu đầu vào tăng là diễn biến chung của thế giới, chứ không riêng Việt Nam. Do vậy, một trong những biện pháp hữu hiệu là các bộ phận trong chuỗi cung ứng toàn cầu phải phối hợp, điều tiết chi phí và lợi nhuận để duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực nâng cao  năng suất lao động của ngành dệt may. So với một số nước trong khu vực thì năng suất của ngành dệt may Việt Nam chưa đạt đến mức năng suất trần của họ. Ví dụ, so với một công ty của Trung Quốc sản xuất cùng chủng loại sản phẩm thì năng suất của doanh nghiệp nước ta mới đạt khoảng 70% năng suất của bạn.

 Để tăng năng suất thì yếu tố đầu tiên là con người, phải được đào tạo kỹ năng tay nghề tốt. Thứ hai, phải đầu tư công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động nhưng cho năng suất cao. Thứ ba, áp dụng công nghệ tinh gọn sản xuất Lean, bố trí chuyền sản xuất hợp lý, giảm lỗi trong quá trình sản xuất để có năng suất cao nhất và chất lượng sản phẩm ổn định.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân