Doanh nghiệp đưa Bộ trưởng xem 50 lời mời quảng cáo một tuần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Có doanh nghiệp cho tôi xem trong một tuần họ nhận được lời mời gọi quảng cáo từ 50 cơ quan báo chí. Nhiều doanh nghiệp sợ do bị dọa, muốn yên lành nên làm ngơ”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời đại biểu Quốc hội cuối phiên chất vấn sáng 17/11.

Trong hơn một giờ hỏi – đáp, đại biểu nêu khá nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ trong quản lý báo chí.

Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp giải quyết tình trạng báo chí thông tin sai sự thật.

Theo đánh giá của Bộ trưởng thì đây cũng là một vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây. “Dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn là dòng chủ lưu, bên cạnh đó thì sai phạm cũng phải đáng báo động”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc đăng tải thông tin xuyên tạc gây hoang mang trong nhân dân, Bộ trưởng nêu rõ là hành bị cấm, được nêu rất rõ trong Luật Báo chí năm 2016.

Bộ trưởng cho biết trong năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí.

“Có thể nói 2016 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ rất lớn”, Bộ trưởng cho hay và nhấn mạnh có thời điểm chỉ trong một tháng, có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp để chấn chỉnh tình trạng một số phóng viên vi phạm pháp luật, hù dọa, tống tiền các doanh nghiệp cũng như người dân, gây ra sự bức xúc trong xã hội.

Cho biết Bộ đã rất kiên quyết xử lý các trường hợp như đại biểu nêu, song Bộ trưởng nhìn nhận: “Tình trạng này cảm giác như gần đây hầu như không giảm”.

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp bị cơ quan báo chí “hù doạ”, theo Bộ trưởng là do nhiều doanh nghiệp không dám đứng ra để tố cáo. “Nhiều doanh nghiệp nói với tôi, họ sợ “được vạ thì má đã sưng”, nên thôi chấp nhận nhịn để yên lành, nhưng cũng đâu có yên lành”, Bộ trưởng nói.

Vẫn liên quan đến quản lý báo chí, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) phản ánh, hiện nay tình trạng một số cơ quan báo và một số phóng viên hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, rút tít giật gân để câu khách, bình luận một chiều có tính áp đặt, nhiều tin bài thiếu kiểm chứng, cắt xén thông tin, xuyên tạc sự thật, thậm chí kích động gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân, gây mất ổn định tình hình ở một số địa phương.

Đại biểu Tuân muốn biết cá nhân Bộ trưởng sẽ làm gì, làm như thế nào để sớm khắc phục tình trạng trên.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, trên báo chí hiện nay cơ bản dòng chảy chính vẫn là dòng chảy tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó ở một số địa phương, có một số cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật về một số dự án ở đây.

“Tôi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan để vào cuộc để xem xét, xử lý các thông tin đó, để khắc phục tình trạng thông tin phiến diện, một chiều”, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cũng mong muốn các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí để khắc phục tình trạng phiến diện, một chiều này. Bởi vì có hiện tượng phóng viên xuống tác nghiệp nhưng người phát ngôn không cung cấp thông tin.

Khi đó, phóng viên phải khai thác thông tin phải qua nhiều nguồn, thậm chí không qua được nguồn chính thức thì phải thông qua bạn bè, người thân, các mối quan hệ khác nên nhiều lúc lấy được thông tin thì thông tin không chính xác, thậm chí có những thông tin trái ngược nhau hoặc thông tin nửa sự thật.

Từ 14h, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.