Doanh nghiệp dược trước nhiều thách thức
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều này đã và đang đặt ra cho DN dược nhiều thách thức.

Thua trên sân nhà

Thông tin từ Hiệp hội DN dược Việt Nam cho biết: Tính đến ngày 31-12-2011, hoạt chất thuốc (là chất hoặc hỗn hợp các chất có hoạt tính điều trị được sử dụng trong sản xuất thuốc) trong nước là 524, trong đó hoạt chất thuốc nước ngoài là 971 (cao gấp gần 2 lần hoạt chất thuốc trong nước).

Bên cạnh đó, tỉ lệ trị giá thuốc sản xuất trong nước/tổng trị giá tiền thuốc sử dụng đang bị giảm dần trong các năm gần đây từ 52,85% năm 2007 xuống còn 47,82% năm 2011. Tỉ lệ tiền mua thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền mua thuốc tại cơ sở điều trị năm 2009 ở tuyến Trung ương là 12,3% đến 2010 giảm còn 11,9%. Ở tuyến tỉnh, huyện tỉ lệ cũng không gia tăng đáng kể.

Những con số trên đủ để thấy rằng, tỉ lệ sử dụng thuốc nội trên thị trường hiện nay rất thấp. Như vậy, mặc dù có nhiều lợi thế, song các DN dược Việt Nam đang không đủ sức cạnh tranh trên chính sân nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Tựu, Chủ tịch Hiệp hội DN dược Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là bởi nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc vẫn phải NK (khoảng 90%) nên giá nguyên liệu phụ thuộc vào biến động giá cả thế giới tăng, chi phí lãi vay cao, tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và một loạt chi phí khác như điện, nước, xăng dầu… đồng loạt tăng giá làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh của các DN dược.

Bên cạnh đó, do thiếu quy hoạch một cách bài bản ngay từ đầu, các DN đầu tư dàn trải, trùng lặp làm giảm sản lượng và công suất đầu tư dự kiến. Công nghệ sản xuất thuốc chủ yếu tập trung vào sản xuất thuốc gốc (là loại thuốc mang tên dược chất ban đầu đã được phát minh hoặc tên hóa học của thuốc), ít quan tâm đến sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị. Một số DN chưa có chiến lược kinh doanh dài hạn, chưa xây dựng chiến lược sản phẩm toàn diện, kỹ năng marketing còn yếu…

Đề cập tới vấn đề này, ông Lê Văn Nhã Phương -Phó Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Y tế Domesco cho rằng: Bên cạnh các yếu tố trên, nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc phần lớn các DN dược Việt thua trên chính sân nhà là bởi chưa tự khẳng định được chất lượng. Đồng thời, quy định Nhà nước về trần phí quảng cáo, tiếp thị, hội thảo, khuyến mãi… trong tổng số chi được trừ khi tính thuế Thu nhập DN thấp hơn 10% đã gây khó khăn cho DN trong việc quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm. Đây là sự bất bình đẳng giữa các DN trong nước và DN nước ngoài.

Đầu tư cho chất lượng

Ông Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Dược Việt Nam cho rằng: Để giúp các DN dược tháo gỡ khó khăn cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng hơn cả là nhanh chóng có chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu làm thuốc, đầu tư nghiên cứu thuốc mới, thuốc có dạng bào chế đặc biệt…, hỗ trợ kinh phí cho các DN tham gia các dự án sản xuất thử nghiệm các cấp để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam. Ngoài ra, “cần cho phép các DN NK nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc thành phẩm được mua ngoại tệ theo giá niêm yết để phục vụ kịp thời việc phòng và chữa bệnh cho nhân dân, góp phần bình ổn giá thuốc…”, ông Sơn nói. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Nhã Phương, vấn đề mấu chốt là DN phải tự khẳng định được chất lượng thuốc của mình hoàn toàn đủ sức đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh. Để chứng minh điều này, bản thân Domesco đã đầu tư rất lớn cho việc thử nghiệm tương đương sinh học (một công cụ khoa học chứng minh thuốc sản xuất trong nước có tác dụng trị bệnh tương đương thuốc sáng chế).

Các sản phẩm mà Domesco ưu tiên thực hiện là những sản phẩm thuộc nhóm thuốc mà gánh nặng chi phí điều trị lớn như thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp và kháng sinh. Các sản phẩm này có giá chỉ bằng 20-40% giá của các sản phẩm thuốc ngoại nhập.  Qua áp dụng biện pháp trên, các sản phẩm do Công ty sản xuất ra có chất lượng tương đương thuốc ngoại nhập, giá thành phù hợp, từ đó nhận được sự tin tưởng nhiều hơn của các bệnh viện, trung tâm y tế trong quá trình tham gia hồ sơ thầu.

Cũng theo ông Phương, trong lần sửa đổi Luật thuế Thu nhập DN vào năm 2013, “Chính phủ nên có hướng dẫn chi tiết hơn về nội dung những khoản chi về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… theo hướng mở rộng nội dung các khoản chi nằm trong nhóm không bị khống chế để tháo gỡ khó khăn cho DN và tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh giữa các DN trong và ngoài nước”.

Đề cập tới vấn đề này, Hiệp hội DN dược Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm có quy định cụ thể về DN có vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết tình trạng một số DN Việt Nam có các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu số lượng nhỏ cũng trở thành DN có vốn đầu tư nước ngoài dẫn đến các DN này không được đăng ký phân phối dược phẩm. Ngoài ra, việc tăng kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, khu vực miền núi, vùng khó khăn nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN dược… cũng đã được Hiệp hội đề xuất Chính phủ xem xét.  

Thanh Nguyễn
Nguồn: Báo Hải quan Online