Doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu nỗ lực tìm “ngách” vượt khủng hoảng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Trong lúc khó này,  chúng tôi vẫn ung dung” – ông Nguyễn Văn Đô, Tổng giám đốc Cty TNHH DHA May Hà Đông “khoe”. Sử dụng tới 2.000 lao động, trả lương 3 triệu đồng/người trở lên, mỗi ngày cung cấp sang thị trường Mỹ 70 nghìn sản phẩm (tiền công mỗi chiếc từ 0,3 – 0,5 USD) – theo lời ông Đô – ngay từ khi khởi nghiệp, DN của ông đã không vay ngân hàng nhiều.

 “Chúng tôi chọn giải pháp liên kết, liên doanh với nước ngoài, họ sẵn sàng cho mình vay 10 tỷ không lãi suất, chỉ cần mình cung cấp hàng hóa cho họ. Cái chính phải giữ lời hứa, đảm bảo chất lượng mà họ yêu cầu.  Để được DN nước ngoài hợp tác , chúng ta phải tuân thủ pháp luật về độ tuổi lao động, điều kiện lao động và làm việc, lương, bảo hiểm xã hội, không sử dụng lao động trẻ em, họ cử người sang giám sát thường kỳ…” – ông Đô cho biết.

Từ một góc độ khác, ông Vũ Tuấn Giang, Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu Sovina chia sẻ: “Kinh nghiệm của chúng tôi, khi chưa thể xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cao, thì cứ chọn những mặt hàng nhỏ, tiêu dùng thiết yếu để xuất khẩu . Đơn giản như, mặt hàng gạo, bánh kẹo, nước giải khát … điều quan trọng là lựa chọn đúng thị trường, vì họ cũng rất cần các sản phẩm của chúng ta. Khi kinh tế khó khăn, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, như đơn hàng chậm lại,  chúng tôi nghiên cứu, tìm thị trường mới, để cung cấp hàng. Ví dụ, Thái Lan đang lũ lụt, đang cần nước tinh khiết…”.

Những kinh nghiệm của ông Đô và ông Giang nêu trên thực sự cần thiết đối với các DN làm hàng xuất khẩu nói riêng và cộng đồng DN nói chung. Lăn lộn để từ cứu mình thay vì thúc thủ chờ được cứu, có thể nói DN không có lựa chọn nào khác, dẫu biết rằng, cơ may vượt qua sóng gió hiện nay là không nhiều.

Theo ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kinh tế thế giới nói chung sẽ còn nhiều biến động khó lường, tác động trực tiếp tới Việt Nam. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ IMF cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 cao nhất chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo trước đó.

Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, dù Chính phủ đã giãn một số loại thuế cho các DN nhỏ và vừa, nhưng thiết nghĩ, chúng ta cần nghiên cứu thêm, đề xuất mạnh dạn hơn nữa việc giảm, giãn thuế cho các DN nói chung. “Mục tiêu kiềm chế lạm phát là hàng đầu, tuy nhiên chúng ta không nên quá thắt chặt” – vị này nhất mạnh.

Rõ ràng, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng đang thực sự “cắt cổ” các DN hiểu theo đúng nghĩa đen của từ này.

Thực tế, thời gian vừa qua nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho một số nhóm ngành xuất khẩu, mới đây như SeaBank đã dành tới 3.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 1,5%/năm so với mặt bằng. Thế nhưng, thật ra cũng không nhiều DN có thể tiếp cận được các khoản vay này, vì ngay chính bản thân các ngân hàng cũng đang phải căng mình đối mặt với nguy cơ nợ xấu, nợ khó đòi, thiếu hụt thanh khoản.

Theo một báo cáo của Bộ Công Thương, một số DN dệt may vừa và nhỏ trong tháng 10 đã bị giảm đơn hàng từ 15% – 20% so với cùng kỳ.  Hai thị trường chính của dệt may Việt Nam là Mỹ và EU đều đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công. Vì thế, hoạt động xuất khẩu dệt may các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn do biến động về tài chính, tiền tệ, cắt giảm chi tiêu,… từ các thị trường này.

Câu chuyện trên không chỉ diễn ra riêng đối với dệt may, cả đầu vào – đầu ra đều bế tắc, khó khăn đang chồng chất chất khó khăn đối với các DN xuất khẩu. Trong một bài báo trước trên PLVN, chúng tôi đã từng đề cập đến hệ lụy DN Việt Nam sẽ bị các đối thủ cạnh tranh trường vốn “cướp” mất thị phần.

Mai Hoa
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam