Doanh nghiệp nước ngoài được mở rộng quyền phân phối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc hội thảo do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 18-3, ông Võ Văn Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết bộ này đang dự kiến sửa đổi Thông tư 09/2007/TT-BTM theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài trong việc lựa chọn nhà phân phối phù hợp với cam kết của Việt Nam với WTO.

Cụ thể, sẽ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép nhập khẩu, được bán hàng hóa do mình nhập khẩu cho các thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó. Tuy nhiên, để bảo lưu quyền của Việt Nam trong cam kết với WTO, vẫn chưa cho phép doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài được tự tổ chức hoặc tham gia vào hệ thống phân phối.

Nhà nhập khẩu được coi là tự tổ chức hệ thống phân phối khi thực hiện một trong các hành vi sau: tự đứng ra thiết lập các cơ sở phân phối, thuê cá nhân, tổ chức phân phối sản phẩm của mình.

Các hành vi bị xem là tham gia vào hệ thống phân phối gồm: chỉ định giá bán cho nhà phân phối, buộc nhà phân phối chỉ phân phối hàng mang thương hiệu của mình, chỉ định đối tác cho nhà phân phối, chỉ định việc phân chia thị phần giữa các nhà phân phối, đưa ra các điều kiện đối với nhà phân phối khi phân phối sản phẩm của mình.

Bà Hoàng Thị Tuyết Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, cũng lưu ý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép nhập khẩu hàng hóa để kinh doanh và phân phối hàng hóa đó sau khi đã được cấp phép nhập khẩu và cấp phép thực hiện quyền phân phối.

Riêng sản phẩm được sản xuất ra theo giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp có quyền phân phối hàng hóa để kinh doanh mà không cần xin phép, kể cả sản phẩm đó thuộc Phụ lục 04 Quyết định 10/2007/QĐ-BTM ngày 21-5-2007 của Bộ Công Thương về hàng hóa không được quyền phân phối theo lộ trình.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online