Doanh nghiệp trong nước đuối sức
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tám tháng đầu năm nay gần 147 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 73,35 tỉ, tăng 17,8% và nhập khẩu 73,4 tỉ, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011. Mức tăng trưởng này đang dựa chủ yếu vào khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) với hơn 60% tổng kim ngạch, trong đó khối FDI xuất 45,6 tỉ và nhập khẩu 38,6 tỉ USD, tăng tương ứng 34,1% và 25,5% so cùng kỳ 2011.

Trong khi đó xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước từ đầu năm đến nay tăng trưởng chậm dần. Chỉ tính trong tháng 8, xuất khẩu giảm 8,5% so với tháng trước, kéo mức của cả tám tháng giảm 1,9%. Ở phía nhập khẩu, dù mức nhập khẩu tháng 8 tăng 4,5% so với tháng trước nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu tám tháng vẫn giảm 8,5%, đạt mức gần 34,9 tỉ USD. Mặt khác dù mức nhập siêu tháng 8 đạt 150 triệu USD nhưng tính chung tám tháng nhập siêu chỉ đạt 62 triệu USD do tình hình suy giảm sản xuất của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Khó từ trong ra ngoài

Ngành dệt may đang phải cân nhắc hạ chỉ tiêu xuất khẩu cả năm. Cụ thể, chỉ tiêu đề ra năm 2012 khoảng 19 – 19,5 tỉ USD (tăng 10% so với 2011) nhưng đến hết tháng 8 tổng giá trị xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 9,72 tỉ USD, tăng hơn 7%. Nếu vẫn duy trì ở mức này, cả năm chỉ có thể đạt xấp xỉ 16 tỉ USD. Theo ghi nhận của hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), những thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật… đều bị ảnh hưởng do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng. Các nước cung cấp hàng dệt may lớn trên thế giới cũng đang đối phó với khó khăn trong nước, và chủ động hạ giá hàng xuất khẩu 5 – 7% để cạnh tranh. Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Vitas dự báo, quý 3 này số lượng và đơn hàng xuất khẩu vào châu Âu và Mỹ tiếp tục giảm thêm 5% so với quý 2, tình trạng doanh nghiệp nhỏ thiếu đơn hàng, làm ăn không có lãi, phải thu hẹp quy mô, tạm ngưng hoạt động… sẽ tiếp tục tăng lên.

Theo ông Ngô Trung Kiên, chủ tịch công ty may Sài Gòn 2: “Khó khăn kéo dài, doanh nghiệp nếu xoay trở giỏi chỉ có thể giữ được khách hàng chứ rất khó giữ được lợi nhuận và tăng trưởng”.

Theo hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tám tháng đạt trên 4 tỉ USD, tăng 6,4% nhờ tăng ở các thị trường Mỹ 14%, Nhật trên 30%, Trung Quốc 17%… Nhưng những khó khăn từ khối châu Âu tác động rất lớn: trong quý 1 giảm 7,9% so với cùng kỳ, quý 2 giảm sâu hơn 15,5%, dự kiến sự giảm sút còn kéo dài đến hết năm. Chỉ tính xuất khẩu cá tra trong tám tháng đã giảm 5%, chỉ đạt hơn 1 tỉ USD, riêng thị trường EU giảm đến 20%.

Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep dự báo doanh số xuất khẩu thuỷ sản vẫn trong xu thế khó khăn, mức giá giảm có thể kéo dài sang năm sau. Trong khi đó, tình trạng thiếu vốn cho sản xuất và chế biến xuất khẩu dự báo tác động rất lớn đến giá nguyên liệu trong nước, đặc biệt là giá tôm và cá tra sụt giảm rõ rệt trong quý 2 với mức giảm khoảng 40% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Minh dự báo xuất khẩu thuỷ sản thời gian tới còn chịu sức ép khá lớn bởi chi phí đầu vào đang tăng khá mạnh. Do chi phí tăng thì giá xuất khẩu cá tra đảm bảo có lãi phải trên 3 USD/kg. Với tình hình thị trường như vậy thì giá xuất khẩu thời gian tới sẽ khó có thể tăng từ 2,6 USD/kg hiện nay lên mức 3 USD.

Doanh nghiệp bị tổn thương

Như vậy kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu một số mặt hàng từ khối FDI như điện tử, dầu thô… Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tăng xuất khẩu của khối FDI là một điểm sáng trong nền kinh tế hiện nay, tuy nhiên cũng phản ánh sự giảm sút của khối doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp FDI nằm trong chuỗi giá trị của công ty mẹ, không chịu lãi suất cao và ít chịu ảnh hưởng của các biến động. Trong khi doanh nghiệp trong nước chịu sự thất thường của thị trường và bị tác động rõ rệt về những biến động chính sách, chi phí, thị trường… Nếu phần lớn xuất khẩu gia tăng từ khối FDI thì giá trị gia tăng cho nền kinh tế không lớn bởi khối FDI sử dụng lao động ít trong khi nguyên liệu, mẫu mã, công nghệ đều nhập từ nước ngoài.

Theo TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, những năm qua cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nông sản và các mặt hàng thâm dụng lao động. Việc tăng trưởng dựa vào tăng trưởng thương mại toàn cầu nên chịu sự biến động rất lớn. Chính vì thế khi gặp khủng hoảng thị trường doanh nghiệp dễ dàng bị tổn thương.

Về tình hình nhập siêu giảm, theo TS Doanh, là dấu hiệu xấu, bởi số giảm đó không phải do sự vượt trội của xuất khẩu mà do doanh nghiệp dân doanh đuối sức, sản xuất đình trệ. Bức tranh này đã phản ánh đầy đủ thực tiễn của nền kinh tế và cho thấy tình hình sẽ khó hồi phục nếu không có những chính sách tích cực.

“Nền kinh tế đang tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nếu không có giải pháp cấp tín dụng giá vốn thấp và ổn định hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, tăng sản xuất và tiếp cận thị trường thì toàn nền kinh tế sẽ càng khó hồi phục”, TS Doanh nhận định.

Tuyết Ân – Bích Nga – Hoàng Bảy
Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị