Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài: Khó vì còn nhiều “cửa ải”!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khổ vì… thủ tục

Nghị định số 22 ngày 14.4.1999 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam thì những dự án đầu tư ra nước ngoài phải có tính khả thiN, DN phải có năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu đầu tư ra nước ngoài và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Để có giấy phép đầu tư ra nước ngoài DN cần phải có văn bản cho phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư cấp hoặc hợp đồng, bản thỏa thuận với bên nước ngoài về dự án đầu tư, giải trình về mục tiêu của dự án, nguồn gốc các khoản vốn đầu tư của DN. DN cũng phải nói rõ về tình hình tài chính của mình, hình thức đầu tư, phương thức chuyển vốn, phương thức chuyển lợi nhuận về nước. Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

Quy định thì như vậy nhưng trên thực tế để hoàn thiện được những thủ tục này thật không đơn giản. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài chưa được phân cấp, còn tập trung ở Bộ KH -ĐT. Các DN ở địa phương muốn đầu tư ra nước ngoài đều phải tốn thời gian đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin phép. Mặt khác, các DN trong nước muốn có giấy phép đầu tư ra nước ngoài phải có văn bản cho phép hoặc thoả thuận với bên nước ngoài. Tuy nhiên, có nhiều quốc gia lại có quy định chỉ được phép đầu tư vào quốc gia đó khi đã được sự cho phép của quốc gia mà DN đầu tư mang quốc tịch. Điều này để phòng tránh nạn “rửa tiền” thông qua việc đầu tư.

Sự trái nhau về những quy định cấp phép đầu tư này sẽ gây không ít khó khăn cho DN muốn đem vốn ra nước ngoài kinh doanh.

Nhưng, theo một số DN thì vướng mắc nhiều nhất hiện nay là vấn đề chuyển vốn ra nước ngoài để thực hiện đầu tư. Thông tư số 01 ngày 19.1.2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam. Theo đó, DN phải mở một tài khoản tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và mọi giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động của DN phải được thực hiện thông qua tài khoản này. Ngoài ra, DN còn phải làm thủ tục đăng ký với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương mình có trụ sở chính về việc mở tài khoản ngoại tệ và tiền USD chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Như vậy, cùng một việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, DN phải hai lần đăng ký mở tài khoản, với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và với ngân hàng thương mại khác hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, để mở được tài khoản tại ngân hàng phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, DN phải chứng minh được dự án đầu tư, giấy phép đầu tư do nước ngoài cấp… Qua đó cho thấy, ở giai đoạn làm khảo sát, thăm dò, thiết kế dự án, DN sẽ không được chuyển tiền ra nước ngoài. Đây sẽ là khó khăn cho DN khi đây là giai đoạn cần thiết để có được giấy phép chấp thuận đầu tư của nước doanh nghiệp muốn đầu tư.

Đầu tư gián tiếp…. cũng cần luật hoá

Một khó khăn nữa phải kể đến là các quy định pháp lý về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của DN trong nước chưa được hình thành trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Các quy định lâu nay chỉ dừng lại ở những khoản đầu tư trực tiếp, có nghĩa là DN Việt Nam bỏ vốn đầu tư, tham gia hoạt động quản lý dự án đầu tư tại nước ngoài. Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có nghĩa là nhà đầu tư Việt Nam không trực tiếp tham gia quản lý dự án đầu tư thì lại chưa được đề cập đến, trong khi hình thức đầu tư này đang trở nên phổ biến hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ KH -ĐT Nguyễn Đức Hoà thì các quy định pháp lý về đầu tư ra nước ngoài cũng cần được hoàn thiện hơn vì hiện nay các DN Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và nhu cầu mở rộng thị trường ra nước ngoài là điều tất yếu. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có được một kế hoạch tổng thể xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đưa ra danh mục ngành hàng khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, địa bàn chiến lược khuyến khích đầu tư… và đây sẽ là điểm mà các DN trong nước quan tâm nhiều, Thứ trưởng Hoà nói.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử