Doanh nghiệp xuất khẩu “đau đầu” với gạo giá rẻ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc họp giao ban về tình hình xuất khẩu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 4-11, ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu cho biết, gần như trong tháng 10 doanh nghiệp này không ký được hợp đồng nào để xuất khẩu loại gạo thông dụng.

Thị trường thương mại đóng băng

Thị trường của loại gạo thông dụng Việt Nam trước đây tập trung ở châu Phi và một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, thị trường này hiện gần như đã rơi vào tay Ấn Độ và Pakistan, do Việt Nam tăng xuất khẩu các loại gạo cấp cao như gạo 15%, 5% tấm, gạo thơm. Hiện loại 5% tấm của Việt Nam có giá bán khoảng 570-575 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn Thái Lan khoảng 20-25 đô la Mỹ/tấn nhưng cao hơn gạo Ấn Độ và Pakistan từ 100-120 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, thông tin gạo Thái Lan tăng giá ồ ạt khiến người dân ở ĐBSCL tích cực trữ lúa đợi giá lên theo. Động thái này khiến giá lúa gạo tại Cần Thơ tăng liên tiếp trong những ngày gần đây.

Ông Trượng kể, mỗi ngày công ty ông mua khoảng 150 tấn. Trong đó, giá gạo lức để làm gạo 15% tấm trung bình từ 9.450 đến 9.500 đồng/kg, làm ra gạo với giá thành từ 10.720 đến 10.750 đồng/kg để giao cho hợp đồng tập trung với Malaysia, nếu giá gạo đứng ở mức như vừa qua thì doanh nghiệp sẽ lỗ.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, kế hoạch 2 tháng cuối năm xuất khoảng 700.000 tấn gạo sẽ gặp nhiều khó khăn, lý do là lượng hợp đồng thương mại gần như không còn; các doanh nghiệp thì do dự trong việc ký hay không nên ký những hợp đồng mới vì họ phải nghe ngóng động tĩnh từ thị trường Ấn Độ, Thái Lan…

Ông Phong đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu phải “cân não” do nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là sức hút từ nguồn gạo giá rẻ của Ấn Độ. Sức cạnh tranh mạnh mẽ từ nước này đã khiến lượng gạo xuất khẩu trong tháng 10 đã thấp hơn nhiều so với tháng 9 do số lượng hợp đồng thương mại giảm. Số lượng đăng ký hợp đồng trong tháng 10 đạt thấp do thiếu hợp đồng thương mại và chỉ có hợp đồng tập trung với Malaysia và hoàn thành giao 400.000 tấn cho Indonesia. Yếu tố cạnh tranh với gạo Ấn Độ đã khiến việc đạt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trở nên chật vật, và thậm chí còn xa hơn đối với kỳ vọng 7,5 triệu tấn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra.

Cần ổn định thị trường trong nước

Theo số liệu của VFA, tính đến hết tháng 10, lượng hợp đồng đăng ký đạt 6,97 triệu tấn, trong đó đã xuất khoảng hơn 6,3 triệu tấn, trị giá 3,058 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4% về lượng và 24% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.Tình hình thị trường có những thay đổi nhất định đang xác lập xu hướng cân bằng giá mới. Yếu tố chính tạo áp lực thay đổi thị trường trong thời gian qua là chương trình can thiệp tăng giá gạo tại Thái Lan; yếu tố này đã xảy ra nhưng không như mong đợi, giá đã không tăng cao như dự báo, trong khi lũ lụt tại Thái Lan đang trở thành vấn đề được quan tâm nhiều hơn.

Ông Phong cho biết, mặc dù chưa có số liệu đánh giá cuối cùng nhưng có đủ thông tin để dự báo thiệt hại của Thái Lan có thể lên đến 6 triệu tấn lúa, tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn gạo. Như vậy chương trình can thiệp của Thái Lan hiện chưa có tác động dẫn dắt thị trường, thậm chí không loại trừ khả năng nước này đứng ngoài thị trường trong một thời gian dài vì cần phải chờ đợi cơ sở hạ tầng khôi phục lại sau trận lũ lụt lịch sử.

“Nếu người dân trong nước cứ nhìn vào thị trường Thái Lan mà lo tích trữ gạo thì rủi ro rất lớn vì lượng gạo của Việt Nam và Thái Lan chỉ chiếm 50% thị phần gạo xuất khẩu của thế giới, hai quốc gia này chỉ có thể đóng vai trò điều tiết chứ không thể quyết định thị trường gạo toàn cầu. Trong khi Ấn Độ, Pakistan mà tiếp tục bán ra thì giá gạo rất khó tăng lên…” ông Phong nói.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch VFA, phải chờ đến nửa cuối tháng 11 này mới có thể đánh giá chính xác được diễn biến  thị trường, lúc đó doanh nghiệp trong nước mới quyết định ký hay không ký những hợp đồng mới.

Việc trước mắt ông Kiên cho rằng cần ổn định thị trường trong nước. Hiện lượng gạo tồn kho tại các kho của doanh nghiệp vào khoảng 1,2 triệu tấn, gối đầu qua sang năm có thể đạt 800.000 tấn, thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Trong khi đó, số liệu thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh ĐBSCL được Cục Trồng trọt đưa ra khoảng 8.400 héc ta, chỉ chiếm 1,3% tổng diện tích xuống giống Thu Đông.

Theo ông Phong, thiệt hại kể trên chưa ảnh hưởng đến nguồn cung nhưng cũng có thể góp phần vào đà tăng giá sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng tâm lý.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online