Đối mặt nguy cơ sụt giảm xuất khẩu vào Mỹ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nguy cơ sụt giảm cao

Ông Thomas Siebert, chủ tịch của AmCham tại TPHCM, nói rằng nguyên nhân dễ dàng nhận thấy là các thị trường chủ lực của Việt Nam (chiếm 60% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam) đang trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế, và Mỹ là một trong các thị trường này. “Tình trạng suy thoái kinh tế tại Mỹ – thị trường tiêu thụ đến 26% hàng xuất khẩu của Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) với 19% và Nhật 16% có thể kéo dài đến cuối năm 2009 hoặc giữa năm 2010,” ông nhận định.

Xuất khẩu là khâu then chốt đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp hơn một nửa tổng sản phẩm nội địa của cả nước. Vì thế, khủng hoảng tài chính và sự cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông Siebert nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng có đến 2/3 lượng hàng Mỹ nhập từ Việt Nam là hàng tiêu dùng, bao gồm dệt may (42%), da giày (12%) và đồ gỗ (11%). Hiện tại, mức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cho tất cả các mặt hàng này đang giảm, và do vậy hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể bị sụt giảm trong năm nay. Doanh thu xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ giảm, đó chỉ là một vấn đề, quan trọng hơn là dẫn đến tình trạng nhiều lao động tại Việt Nam sẽ mất việc làm.

Mức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã giảm mạnh, ông Siebert dẫn chứng, cụ thể là đã giảm 8% vào tháng 12-2008 so với cùng kỳ năm 2007. Năm 2008 đã chứng kiến gần 150.000 các cửa hàng tại Mỹ phải đóng cửa và khoảng 73.000 của hàng nữa cũng sẽ chịu chung số phận vào nửa đầu năm nay, nhưng các chuyên gia đã dự báo gần 26% tổng số nhà bán lẻ của Mỹ có nguy cơ bị phá sản năm 2009.

“Tình hình khó khăn hiện nay tại Mỹ buộc các công ty Mỹ phải giảm lượng hàng nhập khẩu và cả số thị trường và các công ty xuất khẩu. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng sẽ ưu tiên cho các nhà xuất khẩu có khả năng giao hàng nhanh, thay vì phải mất từ 6-9 tháng như hiện nay”, ông nói.

Đâu là giải pháp?

Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, AmCham đề xuất Việt Nam cần phải dựa vào chính mình để đối phó với viễn cảnh kinh tế vĩ mô đen tối. Đề xuất này đã được AmCham đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp tại Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái.

Theo hiệp hội này, các giải pháp mà Việt Nam cần phải làm là tăng năng suất và giảm chi phí kinh doanh để duy trì và cải thiện được mức tăng xuất khẩu. “Nếu Việt Nam cải thiện được khả năng cạnh tranh và cung cấp được hàng hóa chất lượng với chi phí thấp hơn các nước láng giềng, thì giảm được tác động tiêu cực đối với xuất khẩu và việc làm trong khu vực công nghiệp chế tạo và toàn bộ nền kinh tế”, theo báo cáo của AmCham.

Ý kiến của AmCham cũng trùng với ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp khác và các chuyên gia nước ngoài đang hoạt động và làm việc tại Việt Nam. Họ cho rằng chi phí lao động thấp khiến Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng chi phí sản xuất chung ở Việt Nam đang bị đội lên vì họ phải nhập phần lớn nguyên liệu, máy móc… từ các nước trong khu vực để làm ra các sản phẩm tại Việt Nam.

Ngoài ra, hiệp hội này cũng đề xuất cần có các giải pháp hữu hiệu để giải quyết nguy cơ của các cuộc ngừng công bất ngờ vì điều này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, việc điều hành nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động đòi hỏi có sự phối hợp cân bằng và cẩn trọng trong thời buổi khó khăn này.

DN Mỹ tại VN sẽ cắt giảm chi phí, không tăng lương

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại TPHCM Thomas Siebert đã trả lời phỏng vấn của Báo chí xung quanh đến việc cắt giảm lao động của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, và các vấn đề liên quan.

PV: Ông có thể cho biết tình hình cắt giảm lao động của các doanh nghiệp thành viên Amcham tại Việt Nam?

Ông Thomas Siebert: Các doanh nghiệp thành viên của AmCham có thể sẽ phải cắt giảm lao động vì các đơn hàng giảm sút do sự đi xuống của kinh tế toàn cầu. Thực ra, ở khắp nơi trên thế giới các công ty đã và đang phải cắt giảm lao động với cùng lý do này. Tại Mỹ, các công ty đã sa thải 1,9 triệu người năm 2008, bao gồm cả 500.000 người vào tháng 11 và đây là số người bị mất việc nhiều nhất trong một tháng kể từ năm 1974, để đối phó với suy thoái kinh tế được dự báo sẽ kéo dài hết năm 2009.

Hầu hết các công ty thích chọn các giải pháp khác hơn là phải sa thải công nhân. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp không còn đơn hàng thì họ cũng sẽ chẳng có nguồn thu để trả lương cho công nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng chủ doanh nghiệp, công nhân và chính phủ có thể cùng chung chia sẻ vưọt để qua khó khăn.  

Vậy các doanh nghiệp Mỹ, và các doanh nghiệp thành viên của AmCham đang làm gì để đương đầu với khó khăn hiện nay? 

Cắt giảm chi phí là một trong các biện pháp mà các doanh ngiệp Mỹ đang áp dụng để hoạt động hiệu quả và phù hợp với viễn cảnh doanh thu giảm sút và ảm đạm. Các công ty cũng sẽ không tăng lương cho tất cả nhân viên, cắt giảm các khoản phí dành cho các trưởng phòng và lãnh đạo từ 5 đến 50%.  

Việc sa thải lao động và cắt giảm tiền lương có thể dẫn đến xung đột giữa chủ doanh nghiệp và người làm thuê. Vậy theo ông, đâu là các giải pháp giúp làm hài hòa quyền lợi giữa hai bên?

Tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với khó khăn, nhưng tôi tin rằng cùng nhau hợp tác và đối thoại là các giải pháp khả thi giúp làm hài hòa quyền lợi của cả chủ doanh nghiệp và người làm thuê, đảm bảo sự ổn định cho môi trường đầu tư tại Việt Nam, và giúp duy trì trật tự xã hội. Đình công không phải là giải pháp hay để đối phó với các vấn đề liên quan đến suy thoái kinh tế tại Mỹ và các thị trường xuất khẩu trọng điểm khác của Việt Nam. Theo tôi, đình công sẽ gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội và tạo bất lợi cho việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.  

Theo Mộng Bình

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online