Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiếp xúc cử tri
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh cử tri đã thẳng thắn nêu nhiều ý kiến thiết thực, giải trình một số vấn đề như giá cả gia tăng, công tác giáo dục đào tạo, xây dựng cơ bản. Tiếp xúc cử tri huyện Hương Khê vừa bị thiệt hại nặng nề do bão lụt gây ra, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ và tỉnh sẽ hỗ trợ tích cực để nhân dân ổn định cuộc sống và sản xuất, không để dân bị đói. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh bằng mọi cách kêu gọi đầu tư trong nước và ngoài nước để phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực, tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tại các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri phát biểu bày tỏ niềm phấn khởi, tin tưởng trước những thành tự kinh tế xã hội, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp kiềm chế giá cả một cách hợp lý, tạo mọi điều kiện cho Hà Tĩnh triển khai nhanh các Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, luyện cán thép và hỗ trợ tích cực việc xây dựng cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng do thiên tai.

* Trong 3 ngày qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tuyên Quang đã tiếp xúc cử tri tại 12 thôn, bản, tổ dân phố của 6/6 huyện, thị xã trong tỉnh để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII và lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân.
Khác với trước, đợt tiếp xúc cử tri lần này Đoàn ĐBQH Tuyên Quang về tận các thôn, bản, tổ dân phố để lắng nghe ý kiến trực tiếp từ cơ sở. Cử tri các thôn, bản phản ánh nhiều vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân như: Chất lượng các khu tái định cư còn thấp; tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm; những bất cập trong việc sử dụng các nhà văn hóa thôn bản; cơ sở vật chất và chế độ cấp học mầm mon cũng như cơ sở hạ tầng nông thôn (đường giao thông, kênh mương nội đồng, hệ thống thủy lợi…) còn nhiều khó khăn. Cử tri nhiều địa phương phản ánh sự thất bại của dự án trồng rừng với mật độ cao 4.444 cây/ha, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các hộ trồng rừng, trong khi đó chính quyền địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả…

* Ngày 28/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiếp xúc với cử tri huyện Đất Đỏ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII. Trước đó, Đoàn đã tiếp xúc một số nơi trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu đã lắng nghe ý kiến đóng góp của cử tri về một số vấn đề như: chế độ tiền lương và giá cả; quy hoạch đất đai; các chính sách thuế; lãng phí trong xây dựng cơ bản; chống tham nhũng; vấn đề xuất nhập khẩu; đầu tư nước ngoài; dự án treo, đầu ra cho nông sản; tình trạng tai nạn giao thông vẫn tăng hàng năm. Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội gần dân hơn để nắm rõ tâm tư nguyện vọng của dân, đồng thời kiến nghị các vấn đề như: phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá cao; còn nhiều người nghèo, lương thấp trong khi giá cả thị trường ngày càng tăng cao; việc quy hoạch treo ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân…Cử tri huyện Xuyên Mộc còn kiến nghị nhiều vấn đề như: đưa các nhà máy, xí nghiệp về các vùng sâu vùng xa để giải quyết lao động cho người dân địa phương; giải quyết dứt điểm việc xác định ranh giới đất giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận; xem xét lại giá điện cho vùng nông thôn; vấn đề ô nhiễm môi trường trong khi thực hiện các dự án, tăng cường chức năng giám sát việc thi hành luật; các công trình xây dựng; đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ thi hành luật mà phạm luật; tội phạm buôn bán, lạm dụng phụ nữ, trẻ em; những cán bộ để xảy ra thiệt hại về người và của khi tiến hành thi công công trình…Cử tri cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ nên có những biện pháp quyết liệt hơn để kiềm chế lạm phát và tình trạng giá cả leo thang.

* Từ ngày 23 đến 27/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc với cử tri khối các cơ quan tỉnh và cử tri các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy.
Sau khi nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII, cử tri đã bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cử tri khối các cơ quan tỉnh đã nêu lên những ý kiến, kiến nghị tập trung vào việc Chính phủ sớm đề ra các biện pháp kiềm chế gia tăng lạm phát; sửa đổi bổ sung một số điều trong bộ Luật khiếu nại- tố cáo; đề nghị Bộ Quốc phòng sớm có ý kiến chỉ đạo thống nhất về việc xây dựng 2 nhà máy xi măng ở Cố Nghĩa, Cao Dương ( Lạc Thủy ); đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh lại mức thu nộp ngân sách từ Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình vào ngân sách địa phương. Cử tri các xã, thị trấn nêu nguyện vọng Nhà nước nên có chính sách cho những người tham gia kháng chiến có thời gian dưới 20 năm; chế độ đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế; tiếp tục bổ sung chương trình kiên cố hoá lớp học; đề nghị sửa đổi một phần của Nghị định 364 của Chính phủ về quy hoạch, ổn định đất sản xuất nông nghiệp.

* Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tây do ông Hà Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy kinh tế QH làm trưởng Đoàn có cuộc tiếp xúc với 200 đại biểu cử tri huyện Thanh Oai và phường Phúc La ( TP Hà Đông). Sau khi nghe báo cáo kết quả kỳ hợp thứ 2 QH khóa XII, đa số ý kiến cử tri phát biểu vui mừng phấn khởi trước thành công của kỳ họp. Tuy nhiên, cử tri chưa đồng tình cao với phần trả lời chất vấn tại kỳ họp về vấn đề quản lý và sử dụng cán bộ; tình trạng tiêu cực, tham nhũng. Cử tri Thanh Oai mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; có cơ chế hỗ trợ lâu dài cho các hộ nông dân đã bàn giao đất phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Cử tri phàn nàn nhiều về năng lực lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở. Một nội dung khác được cử tri quan tâm là cần đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri theo hướng ĐBQH nên xuống tận thôn xóm, cụm dân cư, tổ dân phố, người lao động trực tiếp ở cơ sở thay vì tiếp xúc với đa số cử tri “chuyên nghiệp” như hiện nay. Cử tri huyện Quốc Oai nêu vấn đề Luật Đất đai và Luật Khiếu nại tố cáo có điểm còn mâu thuẫn về thời gian thực hiện; phân cấp giải quyết tranh chấp đất đai; việc thu thuế đất chưa được quy định rõ ràng.
Tại huyện Thường Tín và thị trấn Phú Minh ( huyện Phú Xuyên), ĐBQH Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các vị ĐBQH trong đoàn Hà Tây đã lắng nghe cử tri phản ánh vấn đề “giá điện nông thôn” quá cao so với thành phố trong khi thu nhập của người dân thấp, cộng thêm giá tiêu dùng tăng mạnh trong những tháng gần đây đã phát sinh “bức xúc” ở khu vực nông thôn. Cử tri huyện Thường Tín, một trong những địa bàn có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn để phát triển CN-TTCN mong muốn tiền thu được từ đất phải dành một phần để xây nhà máy rác, hệ thống nước sạch cho khu vực nông thôn và phải chú ý tới việc đào tạo nghề cho nông dân sau thu hồi đất.

* Trong 3 ngày (26/11 đến 28/11), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La do đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại 2 huyện Phù Yên, Bắc Yên và lắng nghe nhiều ý kiến của các cử tri vùng đồng bào dân tộc kiến nghị về các vấn đề xây dựng, giáo dục, văn hoá, y tế, chế độ chính sách khác ở cơ sở. Tại xã Kim Bon, huyện Phù Yên, sau khi đồng chí Thào Xuân Sùng thông báo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII, các cử tri kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Cần tiếp tục chương trình 134, 135 về chính sách hỗ trợ các xã, bản đặc biệt khó khăn; xây dựng trạm phát sóng truyền hình tại xã; nâng cấp tuyến đường liên xã, bản giúp người dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế xã hội. Các cử tri đề nghị nâng mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng cho các hộ xóa nhà tạm; xây dựng nhà ở cho bệnh nhân trạm y tế xã và trụ sở UBND xã, nhà ở cho học sinh, giáo viên bán trú, đưa điện lưới quốc gia về các bản chưa có điện. Cần có chính sách đối với cán bộ hội người cao tuổi ở cơ sở, hỗ trợ công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng tái sinh cho người dân…Tại thị trấn Phù Yên, một số cử tri kiến nghị nhà nước cần sớm có giải pháp giúp người dân vùng hồ Sông Đà ( dân di chuyển để xây dựng thủy điện Hòa Bình) cải thiện đời sống. Tỉnh Sơn La cần có chính sách mang tính đột phá để phát huy tiền năng, thế mạnh của huyện Phù Yên.
Tại xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, các cử tri tập trung kiến nghị 3 vấn đề: Cần xây dựng trụ sở UBND xã và nâng cấp các tuyến đường giao thông ở 3 bản Mòn, Hý, Cang. Tăng biên chế cho cán bộ xã từ 20 biên chế lên 23 biên chế; hỗ trợ kinh phí cho công tác xoá mù chữ; có chế độ phụ cấp cho cán bộ cấp phó ở các hội, đoàn thể; có chính sách bảo hiểm cho cán bộ làm công tác phòng chống ma túy ở xã. Xã Phiêng Ban hiện còn 9 bản với 242 hộ dân chưa được đầu tư điện lưới quốc gia, chưa có công trình nước sinh hoạt. Một bộ phận nhân dân còn khó khăn về đời sống văn hóa, tinh thần…
Sau khi lắng nghe ý kiến các cử tri, đồng chí Thào Xuân Sùng đã yêu cầu các sở, ban, ngành giải đáp những thắc mắc, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp trên được Đoàn ghi nhận, tổng hợp và trình lên Quốc hội trong thời gian tới.

* Trong các ngày (từ 26-29/11 và 3, 5, 6/12), Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh đã tiếp xúc với cử tri tại 14 điểm trên địa bàn để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII và tiếp thu kiến nghị của cử tri.
Tại các điểm tiếp xúc ở TP Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, huyện Đông Triều, Hải Hà, Đầm Hà…, Đoàn đã báo cáo với cử tri những nội dung chính diễn ra tại kỳ họp. Cử tri đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội toàn diện của đất nước, vai trò vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Các cử tri đánh giá cao việc giải quyết các kiến nghị của cử tri cũng như hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội…Tuy nhiên, tại các buổi tiếp xúc, cử tri cũng tỏ ra bức xúc khi Trung ương đã có nhiều động thái chuyển biến tích cực trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng chuyển biến ở cơ sở, địa phương còn chậm, còn đùn đẩy, né tránh, nhiều vụ việc, nhất là tham nhũng, tiêu cực về đất đai chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm. Tình hình giá cả tăng nhanh, các biện pháp kiềm chế tăng giá kém hiệu quả dẫn đến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; vấn đề giải quyết việc làm; ô nhiễm môi trường; công tác quy hoạch, xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác xây dựng và thực thi pháp luật, còn nhiều quy định của pháp luật chậm đi vào cuộc sống và còn nhiều kẽ hở, nhất là pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, giải quyết khiếu tố của nhân dân; mô hình HTX nông nghiệp của tỉnh hiện nay hoạt động lúng túng, không hiệu quả; việc đầu tư các công trình theo chương trình mục tiêu 134, 135 còn dàn trải.

* Ngày 27 và 28/11, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã về tiếp xúc với cử tri tại 6 huyện, thị xã: Kim Động, Yên Mỹ, thị xã Hưng Yên, Ân Thi, Khoái Châu và Văn Giang.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hưng Yên được nghe đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo về kết quả của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XII. Cử tri phản ánh những vấn đề bức xúc cần giải quyết như: Đề nghị Quốc hội quan tâm hơn đến đời sống của nông dân; chú trọng đầu tư, hướng dẫn nông dân trồng các giống cây có năng suất cao; nên có chính sách hỗ trợ người dân trước tình hình giá cả ngày càng leo thang và bình ổn giá vật tư nông nghiệp; việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho lao động dư thừa để nâng cao mức sống của người dân nông thôn, giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp trong khi đó giá đất giãn dân lại quá cao… Cử tri đề nghị Quốc hội trước khi đưa ra những chủ trương, chính sách cần nghiên cứu kỹ và có tính chất nhất quán; văn bản hướng dẫn cần phải rõ ràng, kịp thời và phổ biến rộng rãi cho nhân dân. Cử tri huyện Khoái Châu đã mạnh dạn đưa ra giải pháp phòng chống tham ô, tham nhũng là: phải thành lập Ban phòng chống tham nhũng đến tận cơ sở để phát hiện, xử lý kịp thời những người vi phạm. Nhiều người dân đã đề nghị nên đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri, tránh tình trạng biến những buổi tiếp xúc thành các cuộc họp cán bộ chủ chốt như hiện nay. Bên cạnh đó, Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; nên điều chỉnh chế độ phụ cấp cho bộ đội phục viên, thương binh và lương của cán bộ cơ sở cho phù hợp./.

Nguồn: TTXVN