Đồng Nai – Điểm đến của nhiều tập đoàn lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Đồng Nai đạt trên 7 tỷ USD.

FDI là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng cao, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Sản xuất linh kiện máy bay xuất khẩu tại Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
Sản xuất linh kiện máy bay xuất khẩu tại Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.

Liên tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, trung bình mỗi năm thu hút FDI của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD. Đến cuối tháng 9/2020, Đồng Nai đã thu hút 1.550 dự án FDI (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký gần 30,8 tỷ USD. Hiện nay đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Các dự án FDI trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, không còn địa phương trắng về FDI, nhưng tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp như: TP. Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Ngành nghề đầu tư của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đa dạng, nhưng chủ yếu là công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 84% tổng vốn đăng ký. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đều đến Đồng Nai đặt nhà máy sản xuất như Hyosung, Bosch, Amata, Fujitsu, Chang Shin, CP, Kenda, Maggitt…

Ông Kawaue Jun-Uchi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Sức hút của Đồng Nam ở chỗ có hạ tầng giao thông thuận lợi, các khu công nghiệp đầu tư bài bản, dịch vụ đi kèm đầy đủ, doanh nghiệp FDI đầu tư vào muốn thuê đất hay nhà xưởng xây dựng sẵn đều có. Do đó, 4 năm trở lại đây có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai”.

Có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào tỉnh gần 30 năm và nguồn vốn đầu tư so với ban đầu đã tăng gấp nhiều lần. Trong đó, có những doanh nghiệp FDI chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tiên, sau đó mở rộng đầu tư ra cả nước là Hyosung, CP, Amata, Taekwang, Formosa…

Ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Amata (Thái Lan) cho hay: “Sau khi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Amata ở TP. Biên Hòa thành công, Tập đoàn đã đầu tư thêm gần 300 triệu USD xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành và thành phố thông minh tại huyện Long Thành. Mới đây, Tập đoàn đã mở rộng đầu tư ra Quảng Ninh”.

Ngay từ đầu những năm 1990, Đồng Nai đã thực hiện chủ trương chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính với cơ chế “một cửa tại chỗ” và gần đây là “một cửa liên thông”. Thực hiện ISO hành chính công, kịp thời lắng nghe và giải quyết trực tiếp các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhờ vậy môi trường đầu tư của tỉnh liên tục được cải thiện và tăng hạng.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, vốn FDI vào tỉnh ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đã có mặt ở Đồng Nai, quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, nguồn vốn FDI góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao hơn. Tỉnh liên tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, những vướng mắc của doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức nhiều đợt gặp gỡ doanh nghiệp FDI để kịp thời nắm bắt khó khăn trên các lĩnh vực thuế, hải quan, chính sách khác. Nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ giải quyết nhanh, còn thuộc thẩm quyền Trung ương sẽ kiến nghị Chính phủ sớm đưa ra những giải pháp cụ thể để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã chiếm tỷ trọng 37% so với tổng giá trị gia tăng toàn tỉnh, 62% giá trị sản lượng công nghiệp, giải quyết việc làm trên 570.000 lao động, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách, thực sự đã trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Đồng Nai.

Đồng Nai đã có sự phát triển mạnh về công nghiệp, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8-9%/năm. Từ sự phát triển của công nghiệp, đã lan tỏa sang lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy GRDP tăng trưởng cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh đã giúp cơ cấu ngành biến đổi nhanh theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; GRDP bình quân đầu người đạt 5.300 USD.

Liên tục tăng vốn đầu tư

Hiện nay đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai, với tổng vốn đăng ký gần 30,8 tỷ USD. Nguồn vốn lớn tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan. Dẫn đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư vào tỉnh hơn 6,8 tỷ USD, tiếp đến là Đài Loan khoảng 5,4 tỷ USD, Nhật Bản hơn 4,7 tỷ USD, Singapore 3,4 tỷ USD, Trung Quốc 1,7 tỷ USD…

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai chia sẻ: “Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai khá thuận lợi, hầu hết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nên có nhiều doanh nghiệp sau vài năm đầu tư đã tăng vốn lên gấp 2-4 lần so với ban đầu. Lĩnh vực các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh nhiều là sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử. Đúng ngành nghề tỉnh đang ưu tiên mời gọi”.

Đồng Nai trở thành thủ phủ cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp của cả nước có sự đóng góp lớn từ doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã tăng vốn đầu tư vào tỉnh lên đến hàng trăm triệu USD. Đơn cử, Tập đoàn Hyosung tăng vốn hơn 600 triệu USD; Tập đoàn Chang Shin tăng 100 triệu USD…

Các doanh nghiệp Đài Loan cũng liên tục tăng vốn đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và tương đối thành công.

Ông Lý Thiên Thất, Tổng giám đốc Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 nói: “Tôi đã đầu tư vào tỉnh gần 30 năm và công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ để xuất khẩu đã nhiều lần tăng vốn, mở rộng sản xuất. Ngoài đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tôi còn góp vốn vào lĩnh vực thương mại dịch vụ và bất động sản ở Đồng Nai và một số tỉnh thành khác”.

Cũng theo ông Thất, đầu tư vào Đồng Nai thành công, ông đã giới thiệu cho nhiều doanh nghiệp Đài Loan đến tỉnh đầu tư cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đến nay, Đồng Nai đã có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 10.242 ha, diện tích đã cho thuê chiếm tỷ lệ trên 82%. Tổng nguồn vốn thu hút vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 85,5% là của doanh nghiệp FDI.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, Nhật Bản là quốc gia “tăng tốc” trong đầu tư vào tỉnh. Nguồn vốn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai trong giai đoạn trên tăng gấp gần 2 lần. Dự án mới, tăng vốn của Nhật Bản hầu hết có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và đa số thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mới và tăng vốn lớn trong giai đoạn 2015 – 2020 điển hình có Công ty TNHH Otsuka Techno Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch), vốn đầu tư đăng ký 72 triệu USD; Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam tại Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành), tăng vốn thêm 70 triệu USD; Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tăng thêm hơn 60 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử…

Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, nên đầu tư vào tỉnh sẽ rất thuận lợi trong việc liên kết cung cấp sản phẩm đầu vào cho nhau và xuất khẩu. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư của tỉnh tương đối thông thoáng, tỉnh có Bàn Kansai để hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục, rút ngắn thời gian và chi phí đi lại. Các quốc gia khác như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan cũng liên tục tăng vốn đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực.

Ông Cao Tiến Dũng cho biết thêm, tỉnh Đồng Nai tiếp tục định hướng ưu tiên thu hút đầu tư FDI ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp FDI đã chiếm tỷ trọng 37% so với tổng giá trị gia tăng toàn tỉnh, 62% giá trị sản lượng công nghiệp, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách. Doanh nghiệp FDI trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ nay đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 80% và 100% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, khi lựa chọn nhà đầu tư, Đồng Nai ưu tiên các dự án có ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, hoạt động mời gọi đầu tư định hướng tới các dự án công nghệ cao thuộc danh mục ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ. Trong quy hoạch sử dụng đất, Đồng Nai sẽ dành gần 6.000 ha đất để phát triển mới và mở rộng các khu công nghiệp nhằm đón làn sóng đầu tư FDI công nghệ cao từ nhiều quốc gia tiên tiến.