Dòng vốn M&A có quay trở lại?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quý I/2021, đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần sụt giảm tới 58,8% so với cùng kỳ năm trước. Liệu dòng vốn này có quay trở lại Việt Nam?

Với hoạt động kinh doanh hiệu quả, VinCommerce có sức hút lớn với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Ảnh: Đức Thanh

Thêm thương vụ lớn, nhưng vốn sẽ chưa sớm tăng

Thông tin trong những ngày đầu tháng 4/2021, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Masan để mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce mà công ty này đang nắm giữ. Giá trị của thương vụ là 410 triệu USD.

“Chúng tôi tin rằng, VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ tích hợp online – offline hàng đầu Việt Nam trong tương lai. Thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của chúng tôi vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam”, ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment – công ty thành viên của SK Group cho biết.

Thương vụ trên dù không làm “nổi sóng” thị trường giống như hồi năm 2018-2019, khi SK tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup, hay đầu tư 470 triệu USD vào Masan, nhưng cũng đủ là “ấm” lên thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) Việt Nam, vốn đang có xu hướng chậm lại kể từ năm ngoái.

Từ đầu năm tới nay, không nhiều thương vụ lớn của nhà đầu tư nước ngoài được kể tên, ngoại trừ một số thương vụ như Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua tiếp 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì nhựa cứng hàng đầu Việt Nam; hay vụ một công ty con 100% vốn của Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia Tenaga Nasional Berhad (TNB) mua 39% cổ phần trong 5 dự án điện mặt trời của Sunseap Group (Singapore) tại Việt Nam…

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, trong quý đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt 805,3 triệu USD, giảm 58,8% so với cùng kỳ. Thậm chí, nếu tính số lượt góp vốn, mua cổ phần, thì sự sụt giảm còn mạnh hơn, lên tới 70,9% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng này là hoàn toàn trái ngược với những năm trước, khi vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, tăng cao hơn cả phần đầu tư mới hay đầu tư mở rộng. Nguyên nhân đã được lý giải chủ yếu là do Covid-19, khiến việc đi lại, thương thảo hợp đồng, chốt thương vụ khó khăn hơn.

Trong 4 tháng đầu năm ngoái, có tới 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 2,48 tỷ USD, tăng 32,9% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34,7% về giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, dù tính thêm thương vụ của SK, thì nhiều khả năng, 4 tháng đầu năm nay, lượng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng khó có thể đạt được con số của cùng kỳ năm ngoái, chứ chưa nói đến so với 4 tháng của năm 2019.

Cùng thời điểm của 2 năm trước, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi tới 7,14 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam. Tất nhiên, cũng khó so sánh vì đầu năm 2019, ở Việt Nam có thương vụ “khủng”, là Beerco Ltd (Hồng Kông) góp vốn vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, với giá trị lên tới 3,85 tỷ USD.

Dòng vốn có quay trở lại?

Dù xu hướng đang chậm lại, song nhiều dự báo cho thấy, thị trường M&A Việt Nam sẽ sớm hồi phục. Điều này trên thực tế cũng đã được Diễn đàn M&A Việt Nam dự báo từ cuối năm trước.

“Thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021-2022, về mức 4,5 – 5 tỷ USD vào năm 2021, trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022”, Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán – sáp nhập (CMAC) đã dự báo như vậy và cho rằng, các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.

Sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường M&A bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19.

Ông Ong Tiong Hooi, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thương vụ và thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam

Trên thực tế, con số thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ phản ánh được một phần của thị trường M&A, chủ yếu với dòng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và cũng chưa phản ánh đầy đủ các khoản mua cổ phần trên thị trường chứng khoán. Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần khẳng định, sau Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng đầu tư thông qua M&A.

Ở thời điểm hiện tại, với việc SK mua cổ phần của VinCommerce, các tín hiệu tích cực hơn đã bắt đầu xuất hiện. “Cùng với xu hướng toàn cầu, ngành M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay”, ông Ong Tiong Hooi, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thương vụ và thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam nhận định.

Hồi tháng 2/2021, khi đưa ra một bản báo cáo về thị trường M&A toàn cầu và Việt Nam, PwC đã nhận xét rằng, tuy cho đến thời điểm hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng, nhưng các hoạt động M&A tại Việt Nam “đang có vị thế tốt để phục hồi”, đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực cho năm 2021.

Tình hình có vẻ đúng như dự đoán, các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, M&A ngành ngân hàng cũng sẽ sôi động trong năm 2021.

“Với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, hy vọng các thương vụ sẽ được tái khởi động, tạo ra thị trường M&A sôi động trong thời gian còn lại của 2021”, ông Thinh bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Thinh, nhu cầu về vốn của các ngân hàng Việt Nam đang rất lớn, khá nhiều ngân hàng đang xây dựng kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Với hoạt động kinh doanh hiệu quả cao, ngành ngân hàng Việt Nam đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư. M&A là một phương thức để các ngân hàng nước ngoài xâm nhập thị trường, đặc biệt khi Chính phủ hạn chế ban hành giấy phép thành lập ngân hàng mới”, ông Thinh nhận định.