Dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản: Thu hẹp hay mở rộng phạm vi điều chỉnh?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Về điều kiện trưng mua, trưng dụng
     
 Điều 23 của Hiến pháp  quy định: Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Theo quy định này thì điều kiện trưng mua, trưng dụng chỉ xảy ra trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, trong một số luật, pháp lệnh hiện hành, ngoài lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia thì điều kiện trưng mua, trưng dụng còn được mở rộng đối với một số trường hợp khác, cụ thể như: Trong trường hợp khẩn cấp chống lũ, lụt, bão, thiên tai khác (Luật Đê điều); Trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh, thiên tai hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác (Luật Đất đai); Trong trường hợp cấp thiết (Luật Công an nhân dân); Trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra (Luật An ninh quốc gia); Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do để bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự và vì lợi ích quốc gia (Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự).   
      
Các dẫn chứng trên đây cho thấy, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật được mở rộng hơn so với quy định của Hiến pháp nhằm bao quát hết các điều kiện trưng mua, trưng dụng được quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành như thiên tai, lũ bão, cứu hộ, cứu nạn, dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy, truy bắt tội phạm… nhưng việc mở rộng điều kiện trưng mua, trưng dụng trong các trường hợp khẩn cấp  này lại không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Mặt khác, các quy định về trình tự, thủ tục trưng mua, trưng dụng đối với các trường hợp khẩn cấp quy định trong dự thảo Luật cũng không  thể áp dụng được trong thực tế. Chẳng hạn, việc trưng mua tài sản để  phòng, chống lụt bão trong trường hợp khẩn cấp đòi hỏi hết sức khẩn trương tranh thủ từng giờ, từng phút nhưng theo dự án Luật thì phải tuân theo một trình tự mất rất nhiều thời gian, như thông báo bằng văn bản cho người có tài sản bị trưng mua; Thoả thuận về giá tài sản bị trưng mua (chưa kể có tài sản phải thành lập hội đồng định giá); Ra quyết định trưng mua; Bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua; Cưỡng chế thi hành quyết định trưng mua; Thanh toán tiền trưng mua… 
      
Theo chúng tôi, điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức nên tuân thủ quy định của Hiến pháp, nghĩa là chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia mới áp dụng biện pháp đặc biệt này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hạn chế điều kiện trưng mua, trưng dụng trong các luật, pháp lệnh hiện hành có thể làm bó tay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền  đối với việc huy động nhân lực, vật lực trong những trường hợp khẩn cấp như phòng, chống, khắc phục thảm hoạ thiên tai, dịch bệnh, bão lũ; Phòng cháy, chữa cháy; Truy bắt tội phạm… Chúng tôi cho rằng việc hạn chế điều kiện trưng mua, trưng dụng không phù hợp với Hiến pháp trong các luật, pháp lệnh hiện hành không làm cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng, vì cho đến nay Nhà nước chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh thể thức trưng mua, trưng dụng nên chưa thể áp dụng trên thực tế; Mặt khác, không có trưng mua, trưng dụng thì việc huy động nhân lực, vật lực trong những trường hợp khẩn cấp nói trên vẫn được thực hiện theo cơ chế, chính sách mà chúng ta đã và đang áp dụng hiện nay. 
      
Tuy nhiên, để xác định rõ điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản theo quy định của Hiến pháp, một vấn đề đặt ra là dự án Luật phải giải mã cho được thế nào là trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, theo quan điểm của chúng tôi đó là tình thế cấp thiết mà Nhà nước không còn cách nào khác buộc phải dùng mệnh lệnh hành chính để mua hoặc mượn tài sản của cá nhân, tổ chức khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; Bảo vệ  sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Bảo vệ sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
      
Về chủ thể có tài sản bị trưng mua, trưng dụng
       
Theo dự án Luật thì chủ thể có tài sản bị trưng mua, trưng dụng không chỉ là tổ chức, cá nhân trong nước mà còn là tổ chức, cá nhân nhân nước ngoài có tài sản thuộc đối tượng trưng mua, trưng dụng (trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt Nam). Chúng tôi nhận thấy, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại hình, trong đó phổ biến nhất là tổ chức kinh tế hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (theo Luật Đầu tư thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; Doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại). Như vậy, theo quy định của dự thảo Luật thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức nước ngoài có tài sản thuộc đối tượng trưng mua, trưng dụng cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này. 
      
Đây là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ. Bởi, theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp thì Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá. Do đó, việc trưng mua tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể được coi là một biện pháp quốc hữu hoá của Nhà nước, bởi vì quốc hữu hoá là hành động hay biện pháp của Nhà nước nhằm chuyển tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức  thành tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, không có bồi thường hoặc có bồi thường (tịch thu hoặc trưng mua). Nghiên cứu các quy định cụ thể tại Chương II: Chế độ kinh tế của Hiến pháp cho thấy, cam kết của Nhà nước đối với sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân được ghi nhận tại Điều 23 (đối với tổ chức, cá nhân trong nước) và Điều 25 (đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài), theo đó tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đều không bị quốc hữu hoá, Hiến pháp chỉ đặt vấn đề trưng mua, trưng dụng đối với tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước trong trường hợp thật cần thiết mà không đặt vấn đề trưng mua, trưng dụng đối với tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Điều này có nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào (kể cả trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia) thì tài sản hợp pháp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều không bị trưng mua, trưng dụng. Nhất quán với  chính sách  của Nhà nước về thu hút đầu tư với nước ngoài được quy định  tại Điều 25 của Hiến pháp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (và trước đó Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987) đã quy định: Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, vốn và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  không bị quốc hữu hoá.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân