Dự báo giá cả, lạm phát năm 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mặt bằng giá mới sẽ ổn định hơn

Năm 2008 sẽ có nhiều động thái tương tự như năm nay nhưng ở trong nước các yếu tố tích cực sẽ nhiều hơn yếu tố tiêu cực liên quan đến giá cả.

Còn ở ngoài nước, sẽ xuất hiện một số nhân tố mới, tiêu cực và có liên quan trực tiếp đến động thái giá cả trong nước, như tình trạng kinh tế khu vực và thế giới phát triển chậm lại, trong khi lạm phát ở nhiều nước có xu hướng gia tăng, từ đó làm tăng nguy cơ lạm phát nhập khẩu và khó khăn về thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Sự cạnh tranh kinh tế sẽ ngày càng gay gắt hơn, nhiều động thái kinh tế trái chiều sẽ diễn ra cả trong kinh tế đối nội, lẫn đối ngoại… Về giá cả, sẽ tiếp tục có sự giảm giá các mặt hàng trong diện cắt giảm thuế trong khuôn khổ WTO; sẽ có sự tăng giá ở những mặt hàng thuộc diện được “giải phóng” khỏi sự kiểm soát của Nhà nước như điện, xăng dầu, thuốc và sắt thép…

Giá những mặt hàng gắn với thị trường và cạnh tranh đầy đủ sẽ được điều chỉnh theo xu hướng thị trường và có thể giảm. Trong khi đó, những mặt hàng có nguy cơ tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa” sẽ bao gồm:

• Nhóm các sản phẩm do doanh nghiệp định giá và vẫn chưa chịu sức ép cạnh tranh thị trường đầy đủ, như điện, xăng dầu, thuốc…

• Nhóm những mặt hàng có đầu vào là các mặt hàng có giá tăng theo giá thế giới hoặc vừa được bãi bỏ, giảm kiểm soát của Chính phủ (ví dụ ngành vận tải sử dụng xăng, dầu; ngành chế biến dùng điện mua từ ngành điện).

• Nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các dịch vụ dân sinh, nhất là các dịch vụ đô thị…

Về tổng thể, một mặt bằng giá mới trong nước đang hình thành và sẽ ổn định hơn, sẽ không có lạm phát phi mã hoặc đột biến gây nguy hiểm lớn, gây đổ vỡ hay ngưng trệ nền kinh tế nước ta.

Lạm phát dự báo khoảng 7,5%

Về lạm phát, chỉ số CPI năm 2008 có khả năng giảm còn khoảng 7,5%, đây là mức độ hợp lý mà Việt Nam có thể thực hiện được, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của Chính phủ.

Trong bối cảnh tăng giá đầu vào, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí có khả năng phá sản nếu không kịp thời thích ứng với tình hình mới. Xử lý như thế nào là tùy thuộc hoàn cảnh, năng lực cụ thể, kể cả kỹ năng đàm phán, thương lượng của từng doanh nghiệp để giữ giá cũng như các điều kiện kinh doanh khác.

Trong bất luận trường hợp nào, doanh nghiệp vẫn cần giữ vững chữ tín để lấy chỗ làm ăn lâu dài vì về tổng thể, các điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam và thế giới vẫn cơ bản là thuận lợi và sẽ ngày càng tốt hơn ở trung hạn.

Để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh giá tăng, nhất là tăng không theo quy luật, thì vai trò trước hết thuộc về Nhà nước. Điều này cần được cụ thể hóa bằng chính sách tiền lương mềm dẻo hơn, chính sách quản lý thị trường nghiêm khắc và hiệu quả hơn, chính sách an sinh xã hội đầy đủ, đa dạng và thiết thực hơn.

Đồng thời, việc tạo ra cơ chế cạnh tranh thị trường một cách đầy đủ, bám sát các nguyên tắc thị trường, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế… cần được coi trọng. Ngoài ra, hội bảo vệ người tiêu dùng, cũng như bản thân người tiêu dùng phải chủ động và hiểu biết hơn trong việc đưa ra các quyết định về mua sắm, nhất là về mức giá và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất trong nước, việc giảm nhanh thuế nhập khẩu và khuyến khích nhập khẩu bổ sung các mặt hàng đang khan hiếm cũng như điều chỉnh cơ cấu và quy mô tiêu dùng chung bằng các mặt hàng và sản phẩm thay thế tương đương, giá rẻ hơn hoặc dễ tìm kiếm hơn, là việc làm cần thiết cho các bên có liên quan.

Hy vọng, trước các sức ép khách quan, Chính phủ sẽ cho phép tự do kinh doanh cao hơn và có nhiều chính sách đột phá, cụ thể và hiệu quả hơn liên quan đến tạo lập đồng bộ các thị trường.

Cần nhấn mạnh rằng, nếu thiếu sự cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát hiệu quả của Chính phủ, thì việc các doanh nghiệp độc quyền, lợi dụng sự biến động giá cả tạo cơ hội thu lợi nhuận không chính đáng là điều có thể xảy ra.

Đặc biệt, Chính phủ cần giải quyết được bài toán tăng lương, nhất là để tránh cái vòng luẩn quẩn: tăng lương – tăng giá – tăng lương… thì không nên biến việc tăng lương thành các làn sóng toàn xã hội, mà hãy trả chuyện tăng lương thành chuyện bình thường và mang yếu tố thị trường của từng khu vực, ngành, công đoàn và của từng doanh nghiệp trong sự kiểm soát chung của Chính phủ, cũng như sự tham gia tích cực hơn của các hiệp hội và công đoàn.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế tăng nhập khẩu bổ sung các mặt hàng thiết yếu và nhạy cảm có quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, như thực phẩm… Những cải cách hành chính mạnh mẽ về thể chế và thủ tục, cũng như nhân sự cần được thúc đẩy hơn nữa từ trên xuống trong tương lai.

Quan trọng nhất là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan trong việc dự báo và đưa ra phương án, thực thi các chính sách và giải pháp phòng ngừa việc tăng giá.

Về dài hạn, yêu cầu về tổ chức lại nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước sẽ cấp thiết hơn nhằm tăng sự hợp tác, gắn kết, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Thiếu sự cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát hiệu quả của Chính phủ, thì việc các doanh nghiệp độc quyền, lợi dụng sự biến động giá cả tạo cơ hội thu lợi nhuận không chính đáng là điều có thể xảy ra.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn