Dự báo thị trường gạo 2010: Giá hạ, nhu cầu tăng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá gạo thế giới “bất khả tri”?

Trước hết, có thể nói rằng, chúng ta không thể, hoặc chí ít là cho đến nay vẫn chưa thể dự báo được thị trường gạo thế giới. Hiện tại, có lẽ chỉ có một số định chế quốc tế, điển hình là Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), còn ở cấp độ quốc gia thì có lẽ chỉ duy nhất Bộ Nông nghiệp Mỹ mới tiến hành được công việc này.

Nguyên do của thực trạng này chắc chắn không nằm ngoài việc cần phải có cả “núi” thông tin liên quan mà chỉ những “người khổng lồ” lắm tiền nhiều của này mới có thể cáng đáng được. Bởi để dự báo được mặt hàng này, phải thu thập được đầy đủ thông tin thường xuyên về tình hình sản xuất lúa gạo của trên dưới 90 quốc gia, trong đó tối đa có 30 quốc gia có khả năng xuất khẩu gạo và số quốc gia nhập khẩu gạo thường xuyên hàng năm thì có tới trên 100.

Một điều đặc biệt đáng chú ý nữa là, cho đến nay, có lẽ cũng chỉ duy nhất các công trình dự báo chung của OECD và FAO là có đề cập giá gạo thế giới, còn lại đều “né”. Nguyên do có lẽ cũng bắt nguồn từ một thực tế không thể phủ nhận là, dự báo về giá gạo thế giới của các tổ chức này vẫn tréo ngoe với thực tế. Các số liệu về lượng và giá gạo xuất khẩu trong hai công trình dự báo chung của OECD và FAO 3 năm gần đây nhất cho thấy rất rõ điều này.

Trước hết, theo dự báo được công bố năm 2006, lượng gạo xuất khẩu của thế giới ước tính tăng từ 26,581 triệu tấn năm 2005 lên 27,159 triệu tấn năm 2008, tức là tăng bình quân 0,72%/năm. Thế nhưng, các số liệu thống kê vừa được công bố trong dự báo năm 2009 cho thấy, lượng gạo xuất khẩu thực tế ở hai thời điểm này là 28,942 triệu tấn và 30,48 triệu tấn, cho nên thực tăng 1,74%/năm, tức là tăng cao hơn gấp đôi so với dự báo.

Trong khi lượng gạo xuất khẩu công bằng mà nói không chênh lệch quá nhiều so với dự báo như vậy, thì giá gạo thực tế xuất khẩu đã “bay bổng” hơn gấp bội. Cụ thể, nếu ở thời điểm ước tính năm 2005, giá gạo thế giới thực tế chỉ “lệch theo chiều dương” 11,82 USD/tấn và 4,08% so với dự báo, thì trong năm dự báo 2006, mức chênh lệch này đã doãng ra 21,40 USD/tấn và 7,17%, còn năm 2007 tăng đại nhảy vọt lên 232,20 USD/tấn và 72,84% và năm 2008 thêm một lần tăng đại nhảy vọt lên 323,20 USD/tấn và 101,06%.

Dự báo năm 2009 gần như chắc chắn cũng theo “dớp” dự báo một đường, còn thực tế lại đi một nẻo quá xa như trên, nhưng theo một kịch bản hầu như hoàn toàn ngược lại. Bởi lẽ, cho dù tại thời điểm này, vẫn còn phải đợi số liệu thống kê chính thức được công bố, nhưng thay vì tăng rất mạnh 2,27 triệu tấn và 7,50% để đạt kỷ lục mới 32,75 triệu tấn như dự báo, lượng gạo xuất khẩu của thế giới năm 2009 theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ là 28,849 triệu tấn, tức là đã “lệch theo chiều âm” tới 3,901 triệu tấn và 11,91%.

Bên cạnh đó, thay vì “rơi tự do” 225,52 USD/tấn và 35,07% so với 643 USD/tấn của năm 2008, nên giá gạo xuất khẩu chỉ còn là 417,48 USD/tấn, thì mức giảm thực tế rất có thể sẽ chỉ là 91,55 USD/tấn, nên vẫn còn là 551,45 USD/tấn. Bởi vì, theo số liệu thống kê của chính FAO vừa công bố, chỉ số giá gạo thế giới chỉ giảm từ 295 điểm phần trăm của năm 2008 xuống 253 điểm phần trăm trong năm vừa qua, tức là chỉ giảm 14,24% và không giảm quá sâu so với mức giảm về lượng đã nói ở trên.

Phải tự “mò mẫm”

Trong điều kiện trên, hầu như đã chắc chắn không thể tin được rằng, khối lượng gạo xuất khẩu trong năm nay sẽ tăng đại nhảy vọt 4,294 triệu tấn để đạt kỷ lục mới 33,143 triệu tấn như dự báo của OECD và FAO năm 2009, bởi chính FAO cũng đã hạ xuống 30,3 triệu tấn trong dự báo gần đây nhất hồi tháng 9/2009, còn theo dự báo định kỳ gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ trong tháng mở màn năm nay cũng chỉ là 30,765 triệu tấn.

Trong điều kiện khối lượng gạo vẫn tăng khá mạnh 1,916 triệu tấn và 6,64% so với năm 2009 như vậy, có lẽ đã có thể chắc chắn loại trừ khả năng giá gạo sẽ rơi tự do 205,82 USD/tấn và 37,32% để chỉ còn ở mức 345,63 USD/tấn trong năm nay như dự báo này.

Do vậy, câu hỏi đặt ra chỉ còn là, liệu giá gạo thế giới trong năm nay vẫn theo xu thế giảm, mà mức giảm cụ thể sẽ là 71,85 USD/tấn và 17,21% như dự báo, hay sẽ tái lập kỷ lục 1.000 USD/tấn (gạo 5% tấm của Thái Lan) trong năm 2008, thậm chí có thể tăng lên gấp đôi và đạt kỷ lục mọi thời đại mới 2.000 USD/tấn như một dự báo của giới truyền thông hồi cuối năm 2009?

Trước hết, với những động thái trong giai đoạn khởi động sớm hơn “thông lệ” chí ít là hai tháng với “đột phá khẩu” chính là thị trường giữ vị trí “quán quân” nhập khẩu gạo thế giới Philippines từ năm 2007 đến nay, dường như “phe” ủng hộ xu thế tái sốt nóng giá gạo thế giới trong năm nay hoàn toàn ở “thế thượng phong”. Bởi trong bối cảnh đã giữ kỷ lục về nhập khẩu liên tục trong ba năm 2007, 2008, 2009 (lần lượt là 2,57 triệu tấn; 2,6 triệu tấn và ước tính 2,0 triệu tấn), lại liên tiếp bị thiên tai, lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm nay được dự báo là sẽ tái lập kỷ lục 2,6 triệu tấn của năm sốt nóng giá gạo thế giới kỷ lục 2008, thậm chí còn được “dọa” là sẽ đạt kỷ lục mới 3 triệu tấn.

Philippines đã liên tục mở sớm 4 phiên đấu thầu với mục đích nhập khẩu bằng được khối lượng gạo khổng lồ 2,05 triệu tấn. Thực tế cho thấy, hy vọng giá gạo sẽ giữ ở mức 530 USD/tấn (giá C&F đấu thầu bình quân ngày 4/11), không tăng đột biến của một quan chức Cơ quan Lương thực nước này đã không trở thành hiện thực. Bởi giá trúng thầu (kể cả mua bổ sung – reorders) trong đợt đấu thầu thứ nhất tháng 12/2009 đã tăng vọt lên trên 624 USD/tấn (C&F), tức là tăng trên 95 USD/tấn và 17,94%, còn trong đợt đấu thầu thứ hai sau đó một tuần lễ vẫn tiếp tục tăng lên trên 678 USD/tấn (tăng 148 USD/tấn và 27,95%) và trong phiên đấu thầu cuối cùng giữa tháng 12 cũng tăng gần 146 USD/tấn và 27,53%.

Như vậy, với các mức giá cao ngất ngưởng này, với tổng khối lượng gạo nhập khẩu được đã lên tới gần 2,3 triệu tấn, thì việc nhập khẩu gạo của Philippines hầu như đã “an bài”, nếu tổng khối lượng nhập khẩu cả năm vẫn chỉ cố định ở mức 2,6 triệu tấn như dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Trong bối cảnh đó, ngày càng có dấu hiệu cho thấy, nỗi lo “người khổng lồ” thứ hai thế giới trong năm nay sẽ “tái xuất” với tư cách quốc gia nhập khẩu gạo lớn cách đây hai thập kỷ, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy Philippines phải áp dụng sách lược “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” như trên đã vơi dần.

Đó trước hết là những cơn mưa muộn khiến sản lượng lúa vụ chính (Kharif) đang gần kết thúc thời đoạn thu hoạch rộ của nước này sẽ tăng thêm được 2,2 triệu tấn và ngũ cốc nói chung tăng được trên 4 triệu tấn, cũng như diện tích gieo trồng vụ hè (Rabi, gieo từ tháng 11 đến tháng 2 và thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6) đã tăng mạnh…

Chắc chắn vì những thông tin tích cực này mà Chính phủ ấn Độ đã lần lượt từ bỏ những ý định về việc huy động 2 – 3 triệu tấn gạo từ thị trường thế giới. Như vậy, rất có thể yếu tố đột biến thứ hai trên thị trường gạo thế giới năm nay là ấn Độ sẽ không xuất hiện, khiến tổng nhu cầu nhập khẩu sẽ chỉ tăng nhẹ khoảng 1,9 triệu tấn và 6,23% so với năm 2009, cho nên các cuộc mua to bán lớn khiến cơn sốt nóng giá gạo thế giới được khởi động quá sớm như vừa qua sẽ dịu dần và kịch bản “oái oăm” giá gạo thế giới tiếp tục hạ nhiệt trong điều kiện nhu cầu tăng hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguồn: Báo Điện tử Đầu tư