Dự báo xuất khẩu 2021: Đơn hàng đang về nhiều
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Con số hơn 19 tỷ USD xuất siêu của năm 2020 cùng với việc doanh nghiệp đang tất bật nhận đơn hàng sẽ tạo đà cho xuất khẩu năm 2021 tiếp tục vượt khó để bứt tốc.

Lời cảm ơn tới Chính phủ

“Chúng tôi phải nói lời cảm ơn rất nhiều tới Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo kịp thời và làm việc quên mình để giảm thiểu thiệt hại cho người dân và các ngành kinh tế trong năm qua”, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng đã nhắc đi nhắc lại câu nói này tại một sự kiện lớn của ngành dệt may cuối năm 2020.

Năm 2020 là một năm quá đặc biệt với tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu lớn như May Sông Hồng. Nhưng cùng với những giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành và từng doanh nghiệp, ngành dệt may vẫn về đích với kim ngạch xuất khẩu 35,2 tỷ USD, khả quan hơn rất nhiều so với dự báo 31-32 tỷ USD được đưa ra trước đó.

Ông Thịnh cho biết, hàng loạt mệnh lệnh khẩn cấp đã được phát đi trong toàn May Sông Hồng, với trọng tâm là “phải tập trung cứu công nhân trước, bởi còn họ thì nhà máy còn, mất họ thì sẽ mất tất cả”. Công ty đã huy động quỹ dự phòng tài chính và vốn chủ sở hữu của Công ty trên 1.300 tỷ đồng đã được tích lũy từ nhiều năm, nay được kích hoạt, sẵn sàng ở mức tối đa để ứng phó với các tình huống xấu nhất, tiến hành cơ cấu danh mục khách hàng và đơn hàng… Nhờ đó, tình hình sản xuất, kinh doanh đã dần được kiểm soát tốt hơn.

Từ cuối quý III/2020 đến nay, hoạt động sản xuất và xuất khẩu may mặc có sự phục hồi rõ nét	ảnh: đức thanh
Từ cuối quý III/2020 đến nay, hoạt động sản xuất và xuất khẩu may mặc có sự phục hồi rõ nét. Ảnh: Đức Thanh

Năm 2020, dù hụt hơi các chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh do tác động không mong muốn của dịch bệnh, nhưng không vì thế mà kế hoạch đầu tư mới bị hoãn hủy. Những ngày cuối năm, May Sông Hồng tiếp tục tuyển dụng lao động và xây thêm cơ sở sản xuất mới bên cạnh việc hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu đã ký. Đây chính là tiền đề cho tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2021.

Ông Thịnh cho biết, dịch bệnh xảy đến đã làm tiêu tan những mục tiêu kinh doanh năm 2020 của May Sông Hồng, với doanh thu 5.000 tỷ đồng và khoảng 600 tỷ đồng lợi nhuận. Theo tính toán, doanh thu năm 2020 của Công ty chỉ còn 4.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20%; lợi nhuận giảm 60% so với năm 2019, còn khoảng 220 tỷ đồng.

Tuy vậy, nỗ lực của những doanh nghiệp như May Sông Hồng đã điểm tô vào bức tranh xuất khẩu năm 2020 những gam màu sáng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Đơn hàng đang về nhiều

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến cho biết, từ cuối quý III/2020 đến nay, hoạt động sản xuất và xuất khẩu may mặc có sự phục hồi rõ nét, Công ty bắt đầu nhận được các đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài. Hiện Đồng Tiến đã có đơn hàng đến cuối quý I/2021.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản, giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy tính… đã nhận được đơn hàng đến quý II/2021. Đây chính là điểm tựa lớn cho xuất khẩu 2021.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho biết, đại dịch Covid-19 xảy đến đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Công ty. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, xuất khẩu của Vina T&T Group vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với năm 2019.

Giờ đây, lãnh đạo Vina T&T Group không quá ngại dịch bệnh, bởi “đường ray” mới về xuất khẩu đã được Công ty và bạn hàng thiết lập để vận hành trơn tru trong trạng thái bình thường mới. Công ty đang bận rộn với các đơn hàng xuất khẩu xoài, dừa, sầu riêng… đi các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia. Đây là tiền đề để năm 2021, Vina T&T Group đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trái cây hơn 10% và chinh phục thêm các thị trường mới.

Xuất khẩu da giày, túi xách dù không thể về đích năm 2020, nhưng không vì vậy mà doanh nghiệp trong ngành chùn bước. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) được họ mong đợi bởi EU hàng năm nhập khẩu khoảng 8 tỷ USD với 2 mặt hàng này. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, các cam kết cắt giảm thuế quan từ EVFTA là đòn bẩy quan trọng để các doanh nghiệp giày dép thu hút đơn hàng xuất khẩu từ thị trường châu Âu.

Mục tiêu năm 2021 của ngành công thương

 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8-9% so với năm 2020.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP năm 2021 đạt khoảng 24,74% GDP.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5% so với năm 2020.

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu, với mức thặng dư thương mại tương đương năm 2020.

Nguồn: Bộ Công thương