Du lịch đóng góp 6,6% GDP quốc gia
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là những con số từ Báo cáo thường niên Travel & Tourism Economic Impact 2016 Viet Nam (WTTC) của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới công bố hồi tháng 3/2016.

Cụ thể, tổng đóng góp của du lịch vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP).

Tổng đóng góp của du lịch vào lĩnh vực việc làm toàn quốc (gồm cả việc làm gián tiếp) là hơn 6,035 triệu việc làm, chiếm 11,2%. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành du lịch tạo ra là 2,783 triệu (chiếm 5,2% tổng số việc làm). Đầu tư vào lĩnh vực du lịch năm 2015 đạt 113.497 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng đầu tư cả nước…

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không chỉ mang đến doanh thu trực tiếp từ các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, tour tuyến, điểm tham quan mà còn tạo nguồn thu, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan khác như giao thông, ăn uống, giải trí, thương mại và một số dịch vụ phụ trợ khác (thông tin liên lạc, ngân hàng…).

Bên cạnh đó, du lịch còn là ngành kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của những vùng, địa phương không có thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp như Bình Thuận, Quảng Bình, Ninh Thuận…

Hoạt động du lịch dịp 30/4 và 1/5 tăng khá

Theo Tổng cục Du lịch, ước tính trong kỳ nghỉ khoảng 4 ngày này, lượng khách du lịch nội địa đạt 11 triệu lượt; lượng khách quốc tế đạt 370.000 lượt.

Cụ thể, Hà Nội đón 227.640 lượt khách. Khách quốc tế đạt 42.640 lượt (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015). Tổng doanh thu du lịch ước đạt 646 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách tăng mạnh và đột biến phải kể đến Hải Phòng, Quảng Ninh. Dịp này, Quảng Ninh đã đón khoảng 30.000 lượt khách.

Hải Phòng đón trên 598.000 lượt khách (tăng 28,27% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, khách quốc tế đạt trên 5.300 lượt (tăng 11,79% so với cùng kỳ năm 2015). Công suất sử dụng phòng tại Đồ Sơn và Cát Bà đạt 100%.

Khánh Hòa đón 599.208 lượt khách (tăng 14,89% so với cùng kỳ năm 2015), khách lưu trú đạt 118.952 lượt (tăng 9,93% so với cùng kỳ). Trong đó, khách quốc tế đạt 19.498 lượt (tăng 30,08% so với cùng kỳ 2015). Tổng doanh thu đạt 213.197 triệu đồng (tăng 14,77% so với cùng kỳ 2015).

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nằm trọn trong sự kiện Festival nên dù du lịch biển bị ảnh hưởng chút ít do hiện tượng hải sản chết bất thường song Thừa Thiên-Huế vẫn đón 250.000 lượt khách (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó, khách lưu trú đạt 195.000 lượt.

Quảng Nam dịp này cũng đón 79.335 lượt khách (tăng 13,19% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó, khách quốc tế đạt 29.675 lượt (tăng 31,26% so với cùng kỳ)…

Ở phía Bắc, một số địa phương không có biển (như Ninh Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng…) dù lượng khách đến tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2015 nhưng lại là nơi khách quốc tế đến khá đông.

Một số tỉnh, thành phố phía nam lượng khách đến cũng khá cao (Cần Thơ đón 91.500 lượt;  Bình Dương đón 84.500 lượt; Bình Thuận đón 52.200 lượt…).

Tuy nhiên, ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, do ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường, lượng khách du lịch bị suy giảm, nhất là du lịch biển.

Nguyệt Hà

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ