Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Nên khấu trừ thuế đối với khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo của doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo quy định của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thu nhập chịu thuế bằng tổng doanh thu trừ (-) các khoản chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, cộng (+) thu nhập khác nhận được từ các nguồn (kể cả thu nhập thu được ở nước ngoài), trừ (-) các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước. Như vậy, bốn yếu tố, bao gồm: Doanh thu, chi phí được trừ, thu nhập khác nhận được từ các nguồn và khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến số thuế mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan thuế. 

Theo quy định của Dự luật, các khoản tài trợ của doanh nghiệp với mục đích từ thiện, nhân đạo không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế (trừ trường hợp tài trợ cho hoạt động giáo dục, đào tạo). Xung quanh vấn đề này có hai loại ý kiến trái ngược nhau, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, các khoản tài trợ cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; Loại ý kiến thứ hai có quan điểm ngược lại, với lý do:

Thứ nhất, nếu khấu trừ thuế thu nhập sẽ khuyến khích doanh nghiệp ủng hộ các hoạt động xã hội với mục đích nhân đạo, từ thiện.
Trong những năm gần đây, hoạt động nhân đạo, từ thiện được giới doanh nhân quan tâm. Nhiều doanh nghiệp không ngần ngại bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng để thực hiện các hoạt động tài trợ, từ thiện, nhân đạo. Doanh nghiệp thực hiện hoạt động này cũng với nhiều mục đích khác nhau, có thể là do muốn quảng bá rộng rãi hình ảnh của mình trên thương trường, tạo uy tín với người tiêu dùng, hoặc muốn chứng minh năng lực tài chính để từ đó có cơ hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc với mục đích chia sẻ gánh nặng xã hội cùng Nhà nước. Tuy nhiên, với bất kể mục đích nào, thì việc tham gia các hoạt động xã hội với mục đích nhân đạo, từ thiện của các doanh nghiệp cũng đáng ghi nhận và trân trọng,. Việc ủng hộ các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện của các doanh nhân không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà nó còn có ý nghĩa rất lớn cả về mặt chính trị- xã hội. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động nhân đạo, từ thiện bằng việc trừ khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo cho các doanh nghiệp trước khi xác định thu nhập chịu thuế.

Thứ hai, việc xác định khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ thuế thu nhập sẽ tạo công bằng trong việc khấu trừ. Theo Dự thảo luật, khoản đóng góp cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện của doanh nghiệp chỉ được trừ khi đóng góp cho các mục đích giáo dục, đào tạo. Điều này có thể được hiểu là Nhà nước tạo ra cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, đào tạo. Việc làm này có lợi cho cả Nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ không công bằng. Đóng góp trong các chương trình nhân đạo, từ thiện cho giáo dục hay ngành, nghề khác đều rất cần thiết. Không nên phân biệt sự ủng hộ giáo dục – đào tạo với các hoạt động xã hội khác; Không nên lấy tiêu chí ngành nghề để quy định việc miễn hay không miễn khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo của doanh nghiệp với xã hội. Tiêu chí khấu trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp có thể xác định bằng tính chính thức hay không chính thức của chương trình nhân đạo, từ thiện. Có nghĩa là, các chương trình này phải được Nhà nước hoặc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả nước phát động và có sự cho phép của Nhà nước, thì khi doanh nghiệp tham gia ủng hộ sẽ được trừ chi phí đúng bằng khoản ủng hộ này. Tiêu chí này cũng tạo sự công bằng đối với mọi khoản ủng hộ, đóng góp với mục đích từ thiện, nhân đạo của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân