Dự thảo Luật Thuế TNDN năm 2008: Cần bỏ khống chế chi phí quảng cáo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo Luật Thuế TNDN năm 2008 tuy đã được bổ sung khá nhiều nhưng vẫn bị đánh giá là chưa chi tiết. Ý kiến cá nhân ông về dự luật này thế nào?

Ông Alain Cany: Trong giai đoạn chuyển đổi, bất kỳ một quốc gia nào cũng cần có thời gian để hoàn thiện hệ thống luật. Nói chung, Eurocham, đại điện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, hoan nghênh những thay đổi được đề xuất trong bản dự thảo mới.

Cụ thể, chúng tôi rất vui trước đề xuất giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 25%, giúp tăng tính cạnh tranh và tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam như một điểm đến của các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng quy định về khấu trừ thuế khá minh bạch và nhất quán hơn với các nước trong khu vực, ví dụ như việc thành lập quỹ nghiên cứu và phát triển được khấu trừ thuế.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Eurocham lo ngại về việc khấu trừ thuế cho chi phí quảng cáo và khuyến mại, trong đó giữ nguyên tỷ lệ 10% của tổng chi phí được khấu trừ thuế cho các chi phí quảng cáo và khuyến mại.

Về quy định tại khoản 12, điều 8, doanh nghiệp và các luật sư cho rằng mức khống chế 10% không phù hợp với kinh tế thị trường vì quảng cáo, khuyến mại là một phần trong kinh doanh của doanh nghiệp. Hậu quả lớn nhất của mức khống chế này đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là gì, nếu nó được đưa vào luật?

Việc đặt ra mức giới hạn 10% đối với chi phí cho quảng cáo và khuyến mại ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp và làm giảm mức tăng trưởng. Quảng cáo và khuyến mại tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm mới và doanh nghiệp mới xâm nhập thị trường. Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp mới thành lập sẽ không có khả năng chi trả mức thuế cao mà không được khấu trừ các chi phí liên quan tới các hoạt động xúc tiến sản phẩm/dịch vụ mới.

Eurocham đã phản ứng ra sao với giới hạn 10%? Đã có ý kiến chính thức nào gửi lên Chính phủ chưa? Theo quan điểm của ông, nên bỏ mức khống chế 10% hay nâng lên 20%?

Mức giới hạn đối với tỷ lệ khấu trừ đã được nâng từ 7% lên 10% năm 2004 và Nghị định 24/2007 đã cải thiện tình hình bằng cách mở rộng danh mục chi phí được khấu trừ thuế.

Tuy nhiên, dự thảo về Luật Thuế TNDN hiện nay đi ngược lại với xu hướng loại bỏ khống chế chi phí quảng cáo và khuyến mại. Eurocham đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ khẳng định lại quan điểm của chúng tôi về vấn đề này. Theo quan điểm của chúng tôi, mức giới hạn này nên được loại bỏ hoàn toàn.

Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á quy định mức giới hạn này, theo ông, nếu được thông qua, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đối với nền kinh tế, người tiêu dùng và việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam?

Việc khống chế chi phí này gây nhiều thiệt hại cho quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cản trợ đầu tư nước ngoài và sự phát triển của nền kinh tế. Với giới hạn này, thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng bị cắt giảm, làm hạn chế cạnh tranh.

Quảng cáo là nguồn thông tin cho người tiêu dùng, cung cấp thông tin về tính năng và lợi ích của sản phẩm một cách hiệu quả, giúp người tiêu dùng đánh giá thông tin và tiết kiệm tiền thông qua việc nâng cao tính cạnh tranh, giúp làm giảm áp lực về giá cả và vì vậy có thể kiềm chế lạm phát.

Nếu theo dự thảo này thì bất kỳ chi phí quảng cáo và khuyến mại nào vượt quá mức khống chế 10% sẽ được tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng sẽ phải chịu mức giá cao.

Đã gia nhập WTO, Việt Nam không nên tạo ra sự khác biệt với các nước thành viên của tổ chức này.

Việc cho phép các doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài được tính khấu trừ thuế đối với chi phí quảng cáo và khuyến mại sẽ giúp họ thu hồi vốn đầu tư nhanh. Đây là yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư, tuy nhiên nhiều dự án hiện nay có tỷ lệ lợi nhuận rất thấp do ảnh hưởng của thuế phát sinh từ chính sách khống chế chi phí quảng cáo và khuyến mại.

Chúng tôi tin tưởng rằng việc loại bỏ hoàn toàn mức giới hạn này sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của thị trường Việt Nam so với thị trường khu vực, tăng tính hấp dẫn của Việt Nam là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài bằng cách tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho họ. Việc loại bỏ còn giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, vì nó làm tăng tỉ lệ GDP theo đầu người thông qua việc phát triển ngành truyền thông và dịch vụ khuyến mại.

Xin cảm ơn ông.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online