Dự thảo về chính sách viện phí mới liệu có bảo đảm công bằng?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, chính sách viện phí hiện hành đã được ban hành từ năm 1995, nay có nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay như: Viện phí chỉ quy định thu một phần trong tổng số chi phí nên chưa bù đắp đủ các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh, bệnh viện không có đủ kinh phí để bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, người dân không biết Nhà nước thu “một phần” viện phí là thu bao nhiêu? Nhà nước bao cấp cả những người có thu nhập cao, có khả năng chi trả toàn bộ viện phí, tức bao cấp ngược, bao cấp tràn lan. Vì vậy, viện phí mới được xây dựng trên cơ sở không bao cấp tràn lan, mà được tính đúng, tính đủ trên cơ sở hỗ trợ tốt và đầy đủ hơn cho đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em. Việc điều chỉnh viện phí mới sẽ tăng cao nhưng khoảng 72% dân số (62,5 triệu dân) sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều, chỉ có 28% dân số thuộc đối tượng có thu nhập từ mức trung bình khá trở lên phải trả viện phí để bù đắp chi phí khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, để tính đúng, tính đủ, theo Dự thảo là tính luôn cả chi phí khấu hao thiết bị, tiền lương cán bộ, nhân viên y tế, chi phí điện nước, hóa chất, vật tư tiêu hao trong phẫu thuật cũng như xử lý vệ sinh, chi phí đào tạo thầy thuốc giỏi… nên dự kiến giá viện phí mới sẽ rất cao. Theo ý kiến của nhiều người dân, trong tình hình giá cả đang leo thang như hiện nay, cuộc sống của những người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng cận nghèo… đang khó khăn thì họ có “cáng đáng” được mức viện phí mới hay không? Nhiều ý kiến khác lo lắng, 72% dân số sẽ được nhà nước lo cho khi chữa bệnh nhưng là lo như thế nào, ở đây chưa rõ các đối tượng cụ thể. Đơn cử như với những người thoát nghèo sau hai năm vẫn được miễn giảm viện phí nhưng đôi khi với kinh tế thị trường, vừa thoát khỏi nghèo họ đã trở lên giàu, trong khi đối tượng cận nghèo (chênh lệch rất ít với đối tượng nghèo) không có khả năng chi trả lại không được hỗ trợ. Hơn nữa, tình trạng người dân di cư đi các vùng, miền kiếm sống những năm qua đã khiến hàng triệu người không có hộ khẩu cư trú tại nơi ở mới. Vậy ai sẽ xác nhận hộ cận nghèo, hộ nghèo hay mới thoát nghèo và nhân thân cho họ khi đi khám chữa bệnh? Theo Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên, việc điều chỉnh viện phí lần này về cơ bản không làm ảnh hưởng tới 21 triệu người nghèo, 9,5 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội, hưu trí, người làm công ăn lương, thân nhân sĩ quan tại ngũ, cựu chiến binh, đối tượng bảo trợ xã hội… người cận nghèo, người có bảo hiểm y tế, học sinh… Bởi chi phí khám chữa bệnh của các đối tượng này đã do cơ quan BHXH thanh toán, phần tăng thêm nếu có cũng do BHXH chi trả. Trường hợp, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) không có đủ tiền chi trả cho bệnh viện, mức đóng BHYT sẽ được điều chỉnh từ 3% lên 4-5% lương cơ bản.

Trong Dự thảo lần này, Bộ Y tế sẽ phân thành 3 tuyến viện phí với giá chênh lệch tách biệt. Chẳng hạn, ở tuyến huyện, giá viện phí sẽ thấp nhất vì ở đây viện phí không bao gồm lương của nhân viên y tế và chi phí quản lý. Ở tuyến tỉnh, bệnh viện thu thêm viện phí để trả 50% lương cho nhân viên y tế. Còn ở bệnh viện tuyến Trung ương, viện phí sẽ phải tính đúng, tính đủ 100% thu nhập của nhân viên y tế, chi phí khấu hao vật tư, thiết bị y tế… Nhưng ngay cả quy định này cũng đang gặp những ý kiến trái chiều trong ngành Y tế. Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn, Hà Nội Nguyễn Thanh Trúc cho biết, nếu chỉ tăng viện phí ở các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố sẽ là không công bằng đối với y tế cơ sở. Chẳng hạn như mổ ruột thừa ở tuyến huyện chỉ phải trả 50.000 đồng nhưng ở tuyến Trung ương người bệnh phải mất đến 200.000 đồng. Ông Trúc nhấn mạnh, cũng là những người bác sỹ làm việc trong môi trường khó khăn, độc hại nhưng mức lương của bác sỹ ở tuyến cơ sở thu nhập quá thấp so với thành phố và Trung ương. Sự chênh lệch quá nhiều như vậy sẽ khiến cho y tế cơ sở càng thêm yếu về nhân lực và vật lực. Từ lâu, tình trạng chảy máu chất xám y tế cơ sở đã diễn ra và chưa có biện pháp khắc phục. Nhiều bác sĩ khi được phân về các tuyến y tế cơ sở, họ phải tìm mọi cách để ở lại thành phố. Thậm chí, kể cả ở lại các bệnh viện thành phố (dù không được ký hợp đồng hay vào biên chế) nhưng mức thu nhập vẫn đủ sống nên họ vẫn cố gắng bám trụ. Điều đó khiến cho tình trạng thiếu cán bộ y tế ở tuyến cơ sở ngày càng trầm trọng.

Chính vì vậy, theo ý kiến của nhiều bác sỹ tuyến dưới, mục đích tăng viện phí là nhằm hạn chế người bệnh khám chữa bệnh vượt tuyến. Nhưng trên thực tế, nếu y tế tuyến cơ sở vẫn giữ mức viện phí như hiện nay thì chắc chắn không thể nâng cao trang thiết bị y tế, chất lượng khám chữa bệnh và tay nghề của bác sỹ. Và tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến vẫn xảy ra.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân