Dưới 50% vốn “ngoại” chưa phải DN có vốn ĐTNN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đó, dự thảo Nghị định đã có quy định về khái niệm Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên cơ sở xác định phần vốn sở hữu nước ngoài trong một doanh nghiệp.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp có vốn ĐTNN phải là doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động theo các hình thức quy định tại Luật Đầu tư, trong đó, một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% phần vốn góp hoặc cổ phần của doanh nghiệp đó.

Theo nguyên tắc đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ là doanh nghiệp có trên 50% phần vốn góp hoặc vốn cổ phần của nhà đầu tư Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam và nhằm mục đích áp dụng điều kiện về sở hữu, hoạt động, hình thức pháp nhân đối với các doanh nghiệp này khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam thì dù góp vốn với tỷ lệ nào vẫn phải tuân thủ quy định về điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và cam kết gia nhập WTO, trừ trường hợp nhà đầu tư đó góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Mặt khác, việc xác định khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” căn cứ vào tỷ lệ vốn nước ngoài cũng không đồng nghĩa với việc dành cho doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài dưới 50% sự đối xử hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì việc đưa ra quy định như vậy là cần thiết vì trên thực tế pháp luật hiện hành còn duy trì sự phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp có vốn ĐTNN về mức tiền lương tối thiểu, sử dụng đất đai, tuyển dụng lao động…

Nếu coi doanh nghiệp có vốn ĐTNN là doanh nghiệp có tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài dưới 50% thì vô hình chung sẽ dẫn đến việc phải dành sự đối xử bình đẳng về các vấn đề nêu trên cho khoảng 500 doanh nghiệp liên doanh hiện đang hoạt động với tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30-50%.

Ngoài ra, để tránh xáo trộn lớn về chính sách đang áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giới hạn lại phạm vi áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài dưới 50% theo hướng

“Khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp có tỷ lệ vốn góp hoặc cổ phần dưới 50% của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các điều kiện về sở hữu, hoạt động, hình thức pháp nhân như quy định đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đối với các vấn đề khác, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện theo quy định hiện hành”.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM