FTA Việt Nam– Chi lê: Cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong thư mời các doanh nhân Chi lê, phía Chilê đã nêu khẩu hiệu “Việt Nam, một chân trời mới cho thương mại và các mối quan hệ kinh tế”, nên đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Chi-lê.

Tham dự hội thảo, về phía Chi lê có ngài Andres Concha- Chủ tịch Hiệp hội sản xuất công nghiệp (SOFOFA) Chi lê, ngài Rodrigo Contras- Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế song phương, Tổng vụ Kinh tế Chi lê (Bộ Ngoại giao), ngài Perdo Reus- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế SOFOFA, ngài Francisco Saez- Chủ tịch Phòng Thương mại Chi lê- Việt Nam và các quan chức thuộc các bộ, ngành của Chi lLê cùng trên 100 doanh nhân Chi lê để tìm cơ hội kinh doanh với Việt Nam.

Về phía Đại sứ quán Việt Nam có Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà, Tham tán Thương mại Hoàng Tuấn Việt, Trưởng Văn phòng Thương vụ cùng toàn thể các bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam.

Trong diễn văn khai mạc, ngài Andres Concha- Chủ tịch Hiệp hội sản xuất công nghiệp (SOFOFA) Chi lê- đánh giá: Quan hệ giữa Chi lê với Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến triển mạnh, nhất là sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết tới Chilê vào tháng 10/2009. Doanh nghiệp hai nước đã có ký kết nhiều hợp đồng sau chuyến thăm này. Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực châu Á.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà cho biết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, quy mô nền kinh tế tăng lên, chính trị- xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được tăng cường. Cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, nhất là việc đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN.

Về quan hệ về kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Chi lê, Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà cho biết, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Chilê đã đạt được bước phát triển tích cực, từ 20 triệu USD năm 2000 lên gần 400 triệu USD năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong 10 năm là 41%, thể hiện quyết tâm chính trị cũng như nỗ lực nhằm đưa quan hệ kinh tế thương mại tương xứng với quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước.

Tại buổi hội thảo, ngài Rodrigo Contras- Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế song phương, Tổng vụ Kinh tế (DIRECON), Bộ Ngoại giao Chilê, trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do Chilê- Việt Nam- đã trình bày tóm tắt một số nội dung về FTA Chilê- Việt Nam. Hai bên trải qua 3 năm và 8 vòng đàm phán, đã kết thúc đàm phán tại Hà Nội trong tháng 6/2011.

Chi lê cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2007) trong thời gian 10 năm. Trong đó:  83,54% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; 537 dòng thuế, chiếm 6,96% số dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Chi Lê sẽ được hạ về 0% trong vòng 5 năm sau khi hiệp định có hiệu lực; 704 dòng thuế khác (chiếm 9,12%) sẽ được hạ về 0% trong vòng 10 năm. Danh mục loại trừ của Chi lê có 29 dòng thuế, trong đó Việt Nam không xuất khẩu qua Chi lê các mặt hàng này.

Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế (chiếm 91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chi Lê năm 2007) trong vòng 15 năm; 12,2% số dòng thuế còn lại sẽ không xóa bỏ thuế. Danh mục loại trừ gồm 374 dòng thuế, chiếm 4,08% số dòng thuế, danh mục giữ nguyên thuế suất cơ sở: 309 dòng thuế, chiếm 3,37% số dòng thuế, danh mục thực hiện cắt giảm thuế một phần: 435 dòng thuế, chiếm 4,75% số dòng thuế.

Chi tiết về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Chilê sẽ được đăng công khai trên trang web của DIRECON (www.direcon.cl) sau khi ký kết và được Quốc hội hai nước thông qua.

Tham tán Thương mại Hoàng Tuấn Việt đã đề cập chính sách đổi mới của Việt Nam từ năm 2006, chính sách công nghiệp và thương mại, chính sách xuất nhập khẩu, quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam. Đề cập đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Tham tán Thương mại Hoàng Tuấn Việt đã giới thiệu cho các doanh nghiệp Chi lê cách tiếp cận với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, như “Doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín- Reliable Exporters” được Bộ Công Thương xét hàng năm đăng trên trang web của Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn), cổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (www.vnex.com.vn), danh sách hội chợ- triển lãm tại Việt Nam, trong đó có Vietnam Expo được tổ chức vào tháng 4 hàng năm, danh sách 40 hiệp hội sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam, các khu công nghiệp và dự án kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam như vịnh Hạ Long, Huế, Nha  Trang…

Trong phần quảng bá về du lịch, Tham tán Hoàng Tuấn Việt đã giới thiệu cho các doanh nghiệp và các vị khách những hình ảnh về vịnh Hạ Long và đề nghị các bạn Chi lê bầu chọn cho vịnh Hạ Long Việt Nam là một  trong 7 kỳ quan mới của Thế giới.

Hội thảo cũng trưng bày tài liệu quảng bá về văn hóa và du lịch, catalogue và các tài liệu xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam. Sau hội thảo, các doanh nghiệp Chi lê đã tiếp xúc với Thương vụ để tìm hiểu thông tin các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Thương vụ đã nhận được 15 đơn hỏi hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp Chi lê.

Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ đăng thông tin chi tiết về các đơn hỏi hàng tại mục mục Cơ hội giao thương”, trang tin Thị trường nước ngoài (www.ttnn.vn)trang web của Thương vụ (www.vietradeinchile.gov.vn), mục: “Cơ hội kinh doanh

Thương vụ – ĐSQ Việt Nam tại Chi Lê

Oficina Comercial de Embajada de Vietnam en Chile

Av. Eliodoro Yañez # 2887, Providencia, Santiago, Chile

Fonos: (+56- 2) 232 1135 / 232 1394

Fax: (+56-2) 334 1159

Email: cl@moit.gov.vn

iPhone mail: vietradeinchile@gmail.com

Sitio web: www.vietradeinchile.gov.vn

Hoàng Tuấn Việt
Nguồn: Báo điện tử Công thương