Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Vụ Thị trường trong nước, gạo là mặt hàng xuống giá nhiều nhất so với cuối năm 2011, những biến động trên thị trường lúa gạo bắt đầu từ tháng 2/2012 với mức giảm sâu giá lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu và lúa gạo tiêu thụ cho thị trường nội địa.

Hiện tại, khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa Hè thu, lượng gạo dự trữ trong dân và các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn nên giá mặt hàng này chưa có biến động tăng. Mặc dù vậy, tới đây giá lúa gạo không có biến động lớn do ảnh hưởng bởi tình hình xuất khẩu chậm hơn các năm trước và nguồn cung khá dồi dào.

Cùng với mặt hàng lương thực, thực phẩm, cụ thể là thịt lợn cũng đã giảm xuống một mặt bằng giá mới. Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào trong khi tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng do lo ngại về dịch bệnh, xuất khẩu thịt lợn cũng giảm do việc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thịt từ Trung Quốc.

Hiện nay, giá thịt lợn thấp hơn khoảng 18%-19% so với thời điểm đầu năm và thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, giảm hơn mấy tháng đầu năm từ 20.000-30.000 đồng/kg.

Các chuyên gia Vụ Thị trường trong nước nhận định rằng: Thời gian tới giá một số mặt hàng thiết yếu khác như thức ăn chăn nuôi, xi măng, thép xây dựng, giấy… có dấu hiệu giảm nhẹ hoặc tiếp tục ổn định trong một vài tháng tới. Riêng thị trường phân bón sẽ ổn định trong tháng 7 và tháng 8, nhưng từ tháng 9, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng khi bắt đầu sản xuất vụ Đông Xuân.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nếu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không có kế hoạch sản xuất và nhập khẩu để chuẩn bị nguồn hàng sẵn sàng thì khi nhu cầu tăng cao giá có thể sẽ tăng.

Tuy nhiên, cũng có không ít mặt hàng thiết yếu như đường, sữa, thuốc chữa bệnh, muối… vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá nhẹ hoặc đứng ở mức cao.

Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này nguồn cung đường trên thị trường đạt hơn 427.000 tấn. Về cơ bản, số đường hiện có sẽ đáp ứng được tương đối nhu cầu sử dụng đường trước khi bắt đầu bước vào niên vụ đường mới. Giá đường có khả năng tăng nhẹ vào cuối vụ và lượng đường tồn kho sẽ giảm.

Với giá sữa, qua 6 tháng đầu năm đã có 3 lần tăng giá với mức tăng trung bình từ 5%-18%. Do số lượng đầu mối về mặt hàng này ít, dẫn tới tình trạng khống chế giá trên thị trường làm cho giá sữa trong nước luôn cao hơn giá thế giới, nên nhiều khả năng giá sữa từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục đứng ở mức cao.

Bên cạnh đó, thị trường dược phẩm 6 tháng đầu năm đáp ứng đủ nhu cầu cho các cơ sở khám chữa bệnh và điều trị của người dân, có khoảng 60 lượt mặt hàng tăng giá trung bình từ 6,4%-9,3% và có 21 lượt mặt hàng giảm giá từ 3,1%-7,3%.

Uyên Hương
Nguồn: Báo Tin tức  điện tử