Giai đoạn 2006-2010: Việt Nam sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 20%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu

Kiềm chế nhập siêu một số mặt hàng là một trong những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội khóa XII chất vấn Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại kỳ họp thứ 2 vào chiều 17/11 vừa qua. Bộ trưởng cho rằng, đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những biện pháp trước nhất để giảm nhập siêu.

Với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 20%; đến năm 2010, sản phẩm chế biến, chế tạo chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, Bộ Công Thương sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh lại mục tiêu phát triển xuất khẩu giai đoạn 2008-2010, đẩy nhanh tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo.

Bộ cũng sẽ xây dựng đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như sản phẩm cơ khí chế tạo, đóng tàu, điện tử, máy tính, điện gia dụng…; sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm tỷ trọng hàng xuất khẩu thô; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ.

Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để sản xuất các loại máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu để hạn chế nhập khẩu. Bộ trưởng cũng cho biết, đến khoảng năm 2015, với việc đưa vào các nhà máy lọc dầu; các nhà máy sản xuất phôi thép ở cả ba miền; nhà máy phân đạm ở Cà Mau, Ninh Bình và kế hoạch sản xuất 1 tỷ mét vải của ngành dệt may, sẽ cải thiện đáng kể việc phụ thuộc nhập khẩu các sản phẩm trên từ nước ngoài.

Mở rộng thị trường nội địa

Khó khăn lớn nhất, được các chuyên gia nhận định, lại đến từ chính thị trường nội địa. Nếu không chiếm lĩnh thị trường nội địa thì khi đó chúng ta sẽ trao quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu cho các doanh nhân nước ngoài. Theo logic chung, phát triển thị trường nội địa sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu.

Để có thể đưa mức đóng góp của thương mại nội địa trong GDP lên 15%, yêu cầu đặt ra đối với Bộ Công Thương là khẩn trương đánh giá và đánh giá lại thực trạng thị trường nội địa trong điều kiện mở cửa dịch vụ phân phối. Bởi từ 1/1/2009, một mặt các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường phát triển hệ thống phân phối hiện đại và chuyên nghiệp thì chúng ta còn phải mở cửa cho các nhà phân phối nước ngoài. Do đó, ngành Công Thương xác định, trước mắt cần tập trung phát triển nhanh một số nhà phân phối lớn của Việt Nam làm nòng cốt trên thị trường nội địa.

Hiện nay, Chính phủ cũng từng bước thắt chặt việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước, hàng xuất khẩu bảo đảm chất lượng, kiểm soát hàng nhập khẩu, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Theo đó, Bộ sẽ tiến hành nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát việc thực thi tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đăng ký kinh doanh nhằm góp phần tạo ra môi trường thương mại văn minh, hiện đại, bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Nguồn: Chính Phủ