Giải pháp kiềm chế lạm phát của ngành ngân hàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thưa ông, lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm 2008 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động của các nhân hàng thương mại. Xin ông cho biết lạm phát đã ảnh hưởng thế nào tới việc huy động vốn của ngân hàng?

Bên cạnh việc làm “méo mó” giá cả, lạm phát tăng cao là thủ phạm chính làm xói mòn tiết kiệm và đầu tư, hạn chế tăng trưởng, gây ra những bất ổn kinh tế vĩ mô. Đối với các ngân hàng thương mại, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, lạm phát tăng cao, sức mua đồng tiền giảm xuống, đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư và thực hiện các dịch vụ ngân hàng.

Để huy động được vốn, hoặc không muốn vốn từ ngân hàng mình chuyển sang ngân hàng khác, phải nâng lãi suất huy động sát với diễn biến của thị trường vốn.

Nhưng lãi suất lên bao nhiêu là hợp lý luôn là bài toán khó đối với mỗi ngân hàng, vì không ít ngân hàng cạnh tranh bằng lãi suất, nên đã bất chấp cả ngưỡng an toàn cho phép, tìm mọi cách vượt rào như khuyến mại, tặng quà,… để lôi kéo khách hàng, làm cho người dân có tiền nhàn rỗi luôn trong tư thế rút tiền chuyển qua gửi tại những ngân hàng có lãi suất cao hơn hoặc được hậu mãi tốt hơn, hay luôn thay đổi kỳ hạn…

Đồng thời, lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn nên hầu hết tiền gửi được chuyển sang kỳ hạn ngắn, rất bị động và rủi ro thanh toán rất cao đối với ngân hàng, nhất là đối với ngân hàng dùng vốn huy động để đầu tư cho vay trung, dài hạn với tỷ lệ cao.

Chưa kể có ngân hàng đưa lãi suất huy động gần sát với lãi suất tín dụng, kinh doanh ngân hàng lỗ lớn nhưng vẫn thực hiện, gây bất ổn cho cả hệ thống ngân hàng thương mại; người gửi tiền thì hoang mang, mất lòng tin đối với ngân hàng.

Dù lãi suất cao nhưng không ít nhà đầu tư vẫn rút vốn để hoán đổi sang vàng, ngoại tệ, bất động sản và các tài sản giá trị khác.

Kiềm chế lạm phát đến nay đã có tác dụng bước đầu, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước ổn định được thị trường tiền tệ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng thương mại. Nhưng một điều thấy rõ là những dấu hiệu bất ổn vĩ mô vẫn chưa thuyên giảm, nhập siêu vẫn rất lớn, thâm hụt thương mại còn cao trong khi doanh nghiệp vẫn thiếu vốn để sản xuất, xuất khẩu. Vậy theo ông, đâu là những biện pháp kiềm chế lạm phát của ngân hàng thương mại?

Có hai biện pháp kiềm chế lạm phát cơ bản, đó là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và điều hành giá mua và bán vốn (lãi suất) ổn định và theo xu hướng giảm dần.

Thứ nhất, về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, bao gồm giảm dư nợ và tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn để phù hợp với quy mô và thời hạn huy động vốn. Tăng vòng quay vốn tín dụng, sẽ giảm bớt khó khăn do thiếu vốn.

Trước mắt chỉ nên dành vốn vào những dự án nhanh tạo ra khối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội. Hạn chế đầu tư vào lĩnh vực không tạo ra hàng hóa tiêu dùng, hoặc đầu cơ lòng vòng trong nội bộ thị trường tài chính.

Bởi chính khía cạnh này trong thời gian vừa qua đã tạo hiệu ứng đẩy lạm phát lên cao cũng như gây không ít khó khăn cho ngân hàng thương mại.

Thứ hai, về điều hành lãi suất ổn định và theo xu hướng giảm dần, khi gói giải pháp tài chính – tiền tệ đã được triển khai một cách đồng bộ, lạm phát được kiểm soát ở mức độ nhất định, thì một trong những công cụ cần điều chỉnh ngay, đó là lãi suất kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Cho đến nay, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục nâng lãi suất, tăng lãi suất huy động vốn để khuyến khích các doanh nghiệp và dân cư gửi tiền đồng, thực hiện lãi suất thực dương để tiến tới thả nổi lãi suất.

Điều này rất đúng với không ít quốc gia, nhưng ở Việt Nam lại không hoàn toàn như vậy. Bởi, tăng lãi suất chỉ là biện pháp cấp bách trong ngắn hạn, một khi tăng lãi suất bắt đầu tỏ ra không hiệu quả, xét cả ở khía cạnh vĩ mô và vi mô, thì việc duy trì lãi suất ổn định và theo xu hướng giảm dần cần được đặt ra đối với các ngân hàng thương mại ở những tháng còn lại của năm 2008.

Để được như vậy thì Ngân hàng Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát với những chế tài cụ thể và đủ mạnh đối với các ngân hàng thương mại cố tình tăng lãi suất huy động vốn quá cao, vượt quá ngưỡng an toàn, đưa những chi phí bất hợp lý vào giá của khoản vay, để làm lành mạnh môi trường đầu tư, cho vay của chính các ngân hàng.

Thưa ông, cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nên nới rộng biên độ giao dịch ngoại tệ để khuyến khích xuất khẩu. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Ở Việt Nam, do tiền đồng chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, trong khi tình trạng đôla hóa lại ở mức cao, vì vậy xử lý lãi suất không thể tách khỏi việc xử lý tỷ giá hối đoái. Vừa qua, tỷ giá hối đoái đã được điều chỉnh với biên độ +/-2 để khuyến khích xuất khẩu và chủ động nhập khẩu.

Về lý thuyết và thực tiễn, tỷ giá hối đoái càng cao, càng khuyến khích xuất khẩu, để tăng thu ngoại tệ và hạn chế nhập khẩu để giảm chi về ngoại tệ.

Nhưng trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, thì yếu tố tỷ giá chỉ có tác động một phần, còn phần lớn lại phụ thuộc vào chính bản thân hàng hoá như số lượng, chất lượng, giá cả và dịch vụ sau bán hàng…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam