Giải pháp phát triển bền vững cơ khí chế tạo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những năm qua, Chính phủ có chính sách kích thích, tạo điều kiện cho cơ khí chế tạo phát triển như: tạo thị trường thông qua tín dụng khách hàng, tạo nguồn vốn, cho vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chi phí đào tạo, kinh phí mua công nghệ, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, giao thầu, chỉ định thầu…

Tuy nhiên, ngành cơ khí chế tạo mới đáp ứng 30% nhu cầu máy móc, thiết bị; hằng năm nền kinh tế phải nhập khẩu khối lượng máy móc, thiết bị, phụ tùng trị giá từ 9 đến 10 tỷ USD. Ðiểm yếu của cơ khí dễ nhận thấy, là tình trạng đầu tư phân tán, trùng lắp, tính hợp tác, liên kết hạn chế, không tạo nên sức mạnh tổng hợp khi tham gia đấu thầu những dự án lớn. Cơ khí mới thực hiện được những công đoạn, kỹ thuật đơn giản, trung bình, nên sản xuất khối lượng lớn sản phẩm, dịch vụ, nhưng giá trị không cao, hiệu quả thấp. Tỷ lệ chế tạo trong nước của các sản phẩm cơ khí còn thấp, chưa đạt yêu cầu…

Theo Hiệp hội cơ khí Việt Nam, để giải bài toán phát triển cơ khí chế tạo, cần tiếp tục tập trung đầu tư phát triển tám nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm như: Chiến lược phát triển ngành cơ khí được Thủ tướng phê duyệt, nhưng có sự điều chỉnh.

Một là, cần thống nhất nhận thức về phát triển cơ khí nước nhà của các cấp, ngành và xã hội, trên cơ sở quy hoạch, thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các cơ sở cơ khí chế tạo theo hướng hợp tác, phân công chuyên môn hóa.

Hai là, sớm hình thành tập đoàn công nghiệp cơ khí để có điều kiện liên kết, hợp tác, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo, lắp đặt thiết bị toàn bộ, thiết bị có độ phức tạp cao, có khả năng tham gia đấu thầu, tổng thầu những dự án lớn. Các đơn vị cơ khí trong nước mở rộng hợp tác với các công ty, tập đoàn công nghiệp quốc tế, thuê, mua, chuyển giao công nghệ, chế tạo sản phẩm với vai trò là một mắt xích trong hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối.

Ba là, những dự án đầu tư thuộc nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nên giao thầu, hoặc chỉ định thầu chế tạo, cung cấp thiết bị, nhất là làm tổng thầu EPC cho các đơn vị cơ khí Việt Nam nếu các đơn vị này có đủ năng lực thực hiện, hay đã từng thầu dự án tương tự, với điều kiện bảo đảm chất lượng, giá cả, tiến độ. Các đơn vị có thể hợp tác, liên danh với doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện dự án, nhưng giữ vai trò chủ thầu.

Bốn là, thực hiện thí điểm đầu tư một trung tâm gia công cơ khí lớn trị giá khoảng 400 triệu USD bằng nguồn vốn Nhà nước, xem đây là sự hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho ngành cơ khí, làm “bà đỡ” để thúc đẩy cơ khí chế tạo phát triển, có ý nghĩa chiến lược cho hàng chục năm. Trong giai đoạn đầu khó khăn, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đơn vị cơ khí mua thiết kế, công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo cán bộ quản lý dự án, quản trị doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, thương mại… Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng, quyết định là các đơn vị cơ khí phải vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh trong thế hợp tác, liên kết, chuyên môn hóa.

Ðiều được nhiều nhà cơ khí quan tâm là củng cố, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, thường xuyên nắm tình hình, tham mưu giúp Chính phủ đề ra chính sách kịp thời phát triển cơ khí đúng hướng, đạt mục tiêu, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Báo Nhân dân