Giảm lãi suất: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vẫn khó vay vốn

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho NHNNVN điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản, các lãi suất chủ chốt khác và tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng giảm theo. Cụ thể, lãi suất cơ bản giảm từ 11%/năm xuống còn 10%; lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 12%/năm xuống còn 11%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 10% xuống còn 9%/năm; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam trả cho các tổ chức tín dụng lần đầu tiên chỉnh giảm từ 10%/năm xuống còn 9%/năm… Các ngân hàng thương mại trong nước cũng đồng loạt lần lượt hạ lãi suất theo nhiều mức khác nhau. Không chỉ có vậy, Thống đốc NHNNVN còn đưa ra giải pháp sẽ hướng dẫn cho phép các tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với các dựa án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao. Song trên thực tế, số các DN được vay vốn vẫn còn rất ít nhất là các DN vừa và nhỏ.

Theo TS Lê Đăng Doanh: hiện nay chưa ai biết cái đáy của cuộc khủng hoảng đến đâu. Không ai biết được hệ quả xảy ra đến đâu khi các ngân hàng thế giới thiếu thanh khoản. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo cuộc khủng hoảng chính trị, sản xuất ngừng trệ giá cả leo thang giá dầu và giá nguyên vật liệu giảm sút. Ngân hàng thế giới thiếu thanh khoản do không có tiền hoặc có tiền đầu tư thì họ cũng “xem giỏ bỏ thóc”. Cho nên, ngân hàng và các nhà sản xuất trong thời gian tới đây sẽ vẫn tiếp tục khó khăn về vốn.

Việc các ngân hàng giảm lãi suất, theo TS Lê Đăng Doanh phân tích: Đây là các biện pháp đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu trước đây lãi suất khoảng 9% thì DN có lợi nhuận khoảng 1-3%. Bây giờ lãi suất khoảng 12-13% thì DN vẫn chưa dám vay, nhất là khi thị trường có nhiều biến động và đầu ra chưa rõ ràng. Hiện nay một số ngân hàng đang thừa tiền nhưng theo tôi sự thừa đó là thừa không lành mạnh và thừa giả tạo. Vì rất nhiều DN hiện nay đang muốn vay tiền của ngân hàng nhưng chưa biết vay rồi thì trả như thế nào. Ngân hàng là cơ sở tài chính cho nền kinh tế phát triển nên ngân hàng rất quan trọng. Không ai đổ lỗi cho ngân hàng cả nhưng thời gian vừa qua, các ngân hàng thương mại đã trải qua một đợt chịu trận rất kiên cường khi phải nâng lãi suất, nâng dự trữ bắt buộc, yêu cầu các ngân hàng mua trái phiếu của ngân hàng nhà nước… Nên nhiều ngân hàng đã rất lao đao và họ buộc phải chạy đua lãi suất và huy động vốn để bảo đảm thanh khoản. Còn việc đến bây giờ các DN vẫn kêu khó vay vốn. TS Doanh cho rằng: “Vấn đề không phải là vốn mà còn là niềm tin, nếu không có niềm tin các ngân hàng rất khó cho DN vay. Việc ngân hàng giảm lãi suất chỉ là các biện pháp có giới hạn. Vì hiện nay chỉ số giá cả vẫn vào khoảng 25%, lãi suất ngân hàng đã giảm như vậy rồi nên không giảm quá đáng quá. Vì nếu giảm quá thì người dân sẽ không gửi tiết kiệm nữa và ngân hàng sẽ không huy động được tiền. Theo tôi nên có quỹ bảo lãnh và hỗ trợ cho các DN, trong đó có sự đóng góp của Nhà nước, ngân hàng và bản thân các DN cũng có một tỷ lệ đóng góp nhất định”.

Cũng cùng quan điểm trên, ông Vũ Quốc Huy, Viện IDS cho rằng: Hiện nay, DN rất muốn vay vốn, lãi suất giảm nhưng họ rất khó tiếp cận các nguồn vốn này. Cho nên việc mở rộng sản xuất của các DN sẽ khó hơn. Chính phủ nên có biện pháp giảm thuế, hoãn thuế là một biện pháp tốt. Còn kích cầu thì chưa nói rõ là tín hiện tốt như thế nào còn nếu giảm thuế chung thì tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi. Riêng đối với người dân nên có một số biện pháp hỗ trợ trực tiếp khác. Hiện nay nhà nước khó đưa ra các biện pháp cụ thể hỗ trợ các DN như thế nào nhưng trước mắt là giảm thuế. Không có mô hình chung cho DN, không thể khuyên họ như thế nào vì mỗi DN có một mô hình riêng. Nhà nước chỉ có biện pháp tạo điều kiện môi trường kinh doanh, giảm bớt một số khó khăn, thủ tục….

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Điều các DN mong chờ là trong thời gian tới, các ngân hàng tiếp tục tiếp tục giảm lãi suất để giúp các DN đỡ khó khăn. Theo bà Phạm Chi Lan: “Hiện nay không thể nói là có nên giảm hay không và giảm vào lúc nào vì nó còn phụ thuộc vào sự cân đối của tình hình kinh tế và hoạt động của ngân hàng. Các ngân hàng cũng cần được bình ổn chứ không chỉ có các DN cần được bình ổn.Vì ngân hàng cũng là một mảng rất quan trọng đối với nền kinh tế”. Ngay như mức lãi suất 10% sẽ tác động nhiều đến các DN, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động cần tồn tại. DN xuất khẩu sẽ cần sử dụng nhiều lao động hơn để duy trì sản xuất và để cho hàng nghìn người không bị thất nghiệp. Trong tình trạng suy thoái thì không chỉ Việt Nam mà các nước bao giờ cũng sợ nhất là nỗi lo thất nghiệp.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng ảnh hưởng lớn cần được duy trì vì khi mất thị trường thì rất khó lấy lại. Với tư cách là một thị trường lớn, các DN xuất khẩu được xem như một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cũng cần được hỗ trợ. Bà Lan cho biết thêm: “Chính phủ đang có giải pháp hỗ trợ vốn đối với các DN. Trong đó sự hỗ trợ này cần có trọng điểm. Trước hết là những ngành sản xuất vật chất, có hiệu quả và sử dụng nhiều lao động. Các giải pháp lần này đều có mục tiêu tương đối rõ chứ không tràn lan, không phải ai cũng được hỗ trợ như nhau, đồng thời đây cũng là biện pháp kiểm soát những dự án không hiệu quả”

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử