Giao thương quốc tế: Rủi ro về sở hữu trí tuệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật sư Hải cũng đưa ra “tổng kết” về những rủi ro liên quan đến các vấn đề SHTT mà DN Việt Nam hay gặp phải trong giao thương quốc tế.

Theo ông Hải, trong thời gian qua không chỉ các DN nước ngoài, các nhãn hiệu lớn của nước ngoài mới bị vi phạm hoặc bị đánh cắp tại Việt Nam mà có nhiều nhãn hiệu có uy tín của các DN Việt Nam bị đánh cắp hoặc bị sử dụng trước hoặc đăng ký bảo hộ trước ở nước ngoài bởi các chủ thể khác. Do vậy, việc xuất khẩu hàng hoá vào một số thị trường nước ngoài đã gặp vướng mắc. Những vụ kiện tụng giữa các DN Việt Nam và nước ngoài đã xảy ra dẫn đến thiệt hại lớn về chi phí tranh tụng, phạt hợp đồng cũng như mất cơ hội kinh doanh. Trong trường hợp không bảo vệ được, các DN Việt Nam có thể mất quyền sở hữu và sử dụng ở nước ngoài đối với các nhãn hiệu hàng hoá này hoặc nếu muốn sử dụng phải mua lại với giá cao. Nhãn hiệu cafe Trung Nguyên hay nhãn hiệu Vinataba là những vụ việc điển hình cho vấn đề này.

Một nguy cơ nữa có thể dẫn đến rủi ro cho các DN Việt Nam trong giao thương quốc tế đó là việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp bởi các DN nước ngoài tại nước ngoài. Khi có sự vi phạm về quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ, các mặt hàng dán nhãn vi phạm của VN sẽ bị cấm không cho xuất khẩu, hoặc bị kiện và phạt sau khi đã xuất khẩu thành công vào các thị trường đó. Trong trường hợp do đã ký kết hợp đồng, sản xuất và vận chuyển ra nước ngoài nhưng bị cấm nhập khi hàng được chuyển đến cửa khẩu nước ngoài nên DN Việt Nam đã phải xuất trở lại Việt Nam nên chịu rất nhiều tổn thất.

Theo Luật sư Hải, lý do của tình trạng trên là do các DN Việt Nam chưa quan tâm đầy đủ đến việc nghiên cứu thị trường trong nước và nước ngoài, do vậy khi lựa chọn nhãn hiệu cho một sản phẩm đã có ý định nhái nhãn hiệu của hãng khác, hoặc vô tình lựa chọn một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ bởi một DN nước ngoài ở thị trường nước ngoài. Để tránh tình trạng vô tình sử dụng nhãn hiệu của các hãng nước ngoài, thì việc nghiên cứu đầy đủ về sản phẩm và thị trường ở các quốc gia xuất khẩu tiềm năng là vô cùng cần thiết. Từ đó có thể xây dựng chiến lược và tiếp cận thị trường, tránh xảy ra sự cố.

Một dạng rủi ro cũng có thể xảy ra đối với các DN Việt?Nam về quyền SHTT liên quan đến sáng chế. Khi các DN Việt Nam mua sắm và nhập khẩu máy móc, thiết bị hoặc dây chuyền sản xuất từ nước ngoài mà nhà sản xuất hoặc cung cấp các thiết bị, dây chuyền này không có quyền hợp pháp đối với sáng chế dùng để sản xuất chính các máy móc, thiết bị hoặc dây chuyền này. Nếu các thiết bị, máy móc này được xuất khẩu sang VN mà bên nhập khẩu không có khả năng kiểm tra cũng như không ràng buộc trách nhiệm của nhà cung ứng thì có thể thiệt hại lớn khi bị phát hiện và bị kiện về việc sử dụng máy móc thiết bị hoặc dây chuyền sản xuất không hợp pháp để sản xuất hàng hoá. Đặc biệt, khi nhập khẩu dây chuyền sản xuất với chi phí lớn nhưng các DN Việt Nam lại không quan và không ràng buộc điều kiện chuyển giao kèm theo các bí quyết kỹ thuật và các thông tin công nghệ. Hậu quả là sau khi nhập dây chuyền sản xuất, các DN Việt Nam không có khả năng đưa dây chuyền đó vào hoạt động bình thường và cũng mất nhiều thời gian, công sức, chi phí bổ sung để có được công nghệ.

Vấn đề nữa là bản quyền tác giả – đây luôn là chủ đề nóng gắn liền với việc gia nhập WTO của Việt Nam. Thực trạng ở các nước đang phát triển và mới gia nhập WTO tình trạng vi phạm bản quyền mang tính chất tràn lan và nghiêm trọng. Điều này cũng tạo ra nhiều rủi ro cho các DN Việt Nam khi tham gia giao thương quốc tế.

Thiết nghĩ, những rủi ro này bắt nguồn từ những nguyên nhân như chưa có thói quen tuân thủ pháp luật, coi nhẹ yếu tố pháp lý trong kinh doanh, không hiểu biết pháp luật nước ngoài và thông lệ quốc tế. Đặc biệt chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý hoặc bỏ qua những ý kiến tư vấn của luật sư. Để giảm thiểu rủi ro khi tham gia hoạt động thương mại quốc tế, không còn cách nào khác, các DN Việt Nam cần nâng cao ý thức pháp luật, hiểu biết pháp luật, tôn trọng pháp luật. Các DN cũng nên sử dụng thường xuyên các tư vấn của luật sư đối với mọi quan hệ giao thương có yếu tố nước ngoài để có thể tránh được những rủi ro pháp lý có thể gây ra những thiệt hại lớn về vật chất cũng như uy tín.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp