Giữ nguyên mức thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá phân bón DAP sản xuất trong nước không tăng cao như giá DAP nhập khẩu, là lý do Bộ Công thương đã bác kiến nghị về việc tạm ngưng áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu.

Bộ Công thương đã quyết định giữ nguyên mức thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước
Bộ Công thương đã quyết định giữ nguyên mức thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước

Doanh nghiệp nhập khẩu muốn bỏ thuế

Tháng 3/2018, Bộ Công thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu trên cơ sở yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước, với mức thuế áp lên hàng nhập khẩu trên 1,12 triệu đồng/tấn. Đến ngày 3/3/2020, Bộ Công thương tiếp tục gia hạn thuế tự vệ DAP và MAP đến hết ngày 6/9/2022 với mức thuế giảm dần theo từng năm còn hơn 1,072 triệu đồng/tấn.

Nhưng trước diễn biến của thị trường thế giới, từ tháng 12/2020, giá phân bón thế giới trong đó có phân DAP đã liên tục tăng cao do khan hiếm nguồn cung. Giá phân bón DAP nhập từ Trung Quốc hiện đã tăng 5 triệu đồng/tấn, phân DAP Hàn Quốc cũng tăng 2,7 triệu đồng/tấn so với tháng 11/2020.

Do thiếu container rỗng để nhập phân bón về, khiến chi phí đội lên cao 3-5 lần. Cộng với thuế nhập khẩu 6% và thuế tự vệ nên giá phân bón nhập khẩu chênh lệch trên 1,1 triệu đồng/tấn, khiến nhiều doanh nghiệp thương mại giảm nhập khẩu DAP.

Bởi vậy, trong văn bản kiến nghị Bộ Công thương bỏ thuế tự vệ với hàng nhập khẩu, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, một doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, việc duy trì biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu đang khiến phân DAP ở Việt Nam khan hiếm, giá tăng vọt, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản, đẩy khó khăn lên nền nông nghiệp trong nước, mà người chịu thiệt hại trước tiên là nông dân.

Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Vinacam lý giải, do giá thế giới đã lên, mà trong nước duy trì thuế phòng vệ thì giá bán đến tay nông dân rất cao, còn nếu không nhập khẩu thì nguồn cung sẽ thiếu vì sản xuất trong nước không đáp ứng được.

Cơ quan quản lý xem xét trên nhiều khía cạnh

Được biết, quyết định áp thuế tự vệ phân bón DAP nhập khẩu đưa ra sau một quá trình điều tra, đánh giá toàn diện tác động của các sản phẩm này tới thị trường Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật có liên quan. Mức thuế tự vệ đối với DAP và MAP nhập khẩu cũng được áp dụng ở mức thấp hơn, với thời gian áp dụng ngắn hơn so với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và được giảm dần theo lộ trình.

Theo tính toán của Bộ Công thương, tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp tự vệ, mức thuế tự vệ chỉ tương đương khoảng 0,66% tổng chi phí của người trồng lúa. Tỷ lệ này tới nay có thể còn thấp hơn do mức thuế tự vệ được giảm dần theo lộ trình, trong khi nhiều chi phí khác trong sản xuất lúa tăng lên.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), ông Lê Triệu Dũng cho rằng, nhu cầu trong nước đối với DAP về cơ bản không tăng so với các năm trước đây. Do các yếu tố bên ngoài, không chỉ giá DAP nhập khẩu tăng, mà giá một số mặt hàng phân bón nhập khẩu khác, dù không bị áp thuế tự vệ, cũng tăng rất mạnh.

“Trong khi đó, giá DAP sản xuất trong nước không tăng mạnh như giá DAP nhập khẩu, cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng trong việc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, góp phần kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón DAP”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đại diện Công ty cổ phần DAP Đình Vũ chia sẻ, từ tháng 11/2020 đến nay, do diễn biến giá các nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất DAP tăng đột biến, khiến giá thành DAP sản xuất của Công ty tăng 1,509 triệu đồng/tấn.

Mặc dù giá thành sản xuất tăng, nhưng đến tháng 2/2021, DAP Đình Vũ mới chỉ điều chỉnh đơn giá bán tăng thêm 0,9 triệu đồng/tấn (chịu thiệt 0,6 triệu đồng/tấn) để góp phần bình ổn giá trong nước.

Giải thích thêm cho việc không hủy biện pháp tự vệ với phân bón nhập khẩu, ông Dũng cho hay, các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp tự vệ, có tính chất dài hạn nhằm đem lại một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Do đó, việc áp dụng biện pháp phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.

Chính vì vậy, việc áp dụng thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần, một mặt tạo môi trường công bằng cho sản xuất trong nước phát triển, nhưng cùng với đó cũng hướng tới việc duy trì môi trường cạnh tranh để mang tới lợi ích cho người sử dụng phân bón. Chưa kể, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, việc tránh phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu là một vấn đề quan trọng. Trước năm 2009, khi ngành sản xuất trong nước chưa hình thành, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên rất cao (18.000 đồng/kg), gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân.

Thực tế cho thấy, với nhiều ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo… khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Vì vậy, rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Canada… đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các ngành sản xuất này.