Góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai: Lợi ích của dân là cao nhất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hôm qua 12/3 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị thu thập ý kiến sửa đổi này. Với sự tham dự của các bộ ngành TW và địa phương, có 8 nội dung cần sửa đổi bổ sung, trong đó trọng tâm là sửa đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường tái định cư; các quy định về giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… Hầu hết các ý kiến đều đồng thuận quan điểm: Luật sửa đổi phải đặt lợi ích của người dân lên cao nhất, giảm phiền nhiễu cho dân trong khi thực hiên các thủ tục hành chính.

Luật “đá” luật

Ông Trịnh Kiên Đĩnh- Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội bức xúc khi cho rằng Luật đất đai có từ năm 2003, nhưng hàng loạt các bộ luật khác ra đời sau đó như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có những quy định trái ngược với quy định tại Luật Đất đai, khiến các bộ ngành lúng túng, người dân bức xúc.

Ông Đĩnh dẫn chứng, trên địa bàn thành phố còn khoảng 27.300 trường hợp người dân đã kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chủ yếu là đất ngoài bãi sông, đất ven đê…) Theo quy định của Luật đất đai, họ có quyền được cấp nhưng theo quy định của Luật Đê điều (2007) thì những hộ này lại không được chấp nhận.

Đại biểu thành phố Hà Nội cũng cho rằng, khung phí trước bạ, phí chuyển quyền sử dụng đất không phù hợp. Hiện nay, Hà Nội còn tới 65.000 trường hợp người dân được cấp “sổ đỏ” trong 2 năm 2006-2007 phải nộp lệ phí trước bạ theo giá đất mới cao hơn từ 8-15 lần so với năm 2004-2005.

Bổ sung quan điểm của ông Đĩnh, một số đại biểu phản ánh là, các loại sổ đỏ, sổ hồng đang gây khó khăn cho người dân trong quá trình chuyển đổi quyền sử dụng giao dịch… Luật Đất đai yêu cầu phải có sổ đỏ khi giao dịch nhưng Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng lại yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất (sổ hồng). “Thực tế, người dân có căn nhà, tức là họ đã chuyển quyền sử dụng mảnh đất để xây dựng căn nhà đó. Vậy tại sao phải yêu cầu họ làm một lúc hai loại giấy khác nhau, gây tốn kém, lãng phí”- đại biểu tỉnh Điện Biên băn khoăn.

Cần một khung giá đất ổn định từ 3-5 năm

Theo Luật Đất đai, mỗi năm UBND các tỉnh phải đưa ra giá đất của địa phương mình sát với giá thị trường. Cách thức này được nhiều lãnh đạo địa phương cho là rất khó thực hiện, phức tạp và gây khó khăn khi thực hiện dự án đầu tư. Thực tế có những dự án đầu tư kéo dài 3-5 năm. Năm nay giá đất thị trường thấp nên giá đền bù ở mức vừa phải. Nhưng năm sau, giá thị trường tăng, người được đền bù sau sẽ thu được nhiều lợi hơn. Đó là nguyên nhân gây bức xúc lớn trong người dân, dẫn đến khiếu kiện. Ông Nguyễn Vương Thăng- Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hoá kiến nghị: Cần có khung giá đất ổn định trong vòng ít nhất 3 năm. Trong thời gian này, vùng nào có biến động lớn thì UBND tỉnh, thành phố sẽ có điều chỉnh cục bộ.

Về bồi thường tái định cư, các đại biểu cũng chỉ ra hàng loạt những bất cấp. Tại các tỉnh phía Bắc, một doanh nông dân có thể sở hữu nhiều thửa đất có diện tích nhỏ, manh mún. Trong dự án thu hồi đất thường có nhiều thửa, sẽ có thửa tiếp giáp và có thửa không tiếp giáp với thửa đất có nhà ở.

Như vậy, trong dự án có nhiều mức giá bồi thường khác nhau mặc dù có nguồn gốc sử dụng đất, điều kiện canh tác như nhau. Chính điều này đã kéo dài quá trình giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Thêm vào đó, Luật Đất đai cũng quy định: Khi hộ nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất sẽ được đền bù bằng đất ở. Điều này, theo nhiều đại biểu, rất khó thực hiện ở các khu vực đô thị. Muốn có đất tái định cư cho người dân bị thu hồi thì thành phố đó phải thu hồi đất sản xuất của các hộ nông nghiệp khác. Trong thực tế khi hiện nay, các thành phố chỉ có thể bồi thường tái định cư bằng các căn hộ chung cư cao tầng.

Đại diện các ngành ở địa phương cho rằng: Trong luật nên đề cập ở các vùng nông thôn, nên ưu tiên tái định cư tại chỗ để người dân đỡ thiệt thòi. “ Hàng trăm năm qua, gia đình người ta đã ở đó. Giờ bốc người ta đi cách đó mấy chục km chắc chắn họ sẽ không thích nghi, ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của họ. Hơn nữa, phải để cho người dân đựơc hưởng lợi một phần lợi ích từ dự án đó” ông Lê Trí Vĩnh, đại biểu Ninh Bình nêu ý kiến.

Nguồn: Báo Nông thôn ngày nay)