Hạ lãi suất, doanh nghiệp vẫn “chê”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Làn sóng giảm lãi suất đang diễn ra rầm rộ giữa các ngân hàng thương mại sau khi Ngân hàng nhà nước tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất cơ bản bằng VND 14%/năm và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên 3,6%/năm. Các ngân hàng giảm lãi suất đều hướng đến giúp doanh nghiệp có vốn sản xuất nhưng…

Mời gọi doanh nghiệp vay

Chỉ trong vòng một ngày, thị trường đã đón nhận thông tin hàng chục ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1,5% cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đã có tuyên bố rất rõ ràng về chính sách giảm lãi suất của mình đối với doanh nghiệp. Techcombank tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi giảm so với trước đây từ 0,5% đến 1% đối với cho vay bằng VND và từ 2% đến 2,5% đối với cho vay bằng ngoại tệ. Ngân hàng này sẽ dành ra từ 4.000 đến 5.000 tỷ đồng cho vay thu mua, chế biến lúa gạo, cà phê, sắn lát, điều nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu. Đồng thời, Techcombank cũng có chính sách lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên vật liệu, trang thiết bị phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh. Lãi suất của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lần thứ ba nhưng các khoản vay ngắn hạn VND vẫn còn ở mức cao 18%-20%/năm.

Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, bản thân các ngân hàng cũng còn nhiều khó khăn nhưng giảm lãi suất cho vay là một biện pháp kịp thời nhằm hưởng ứng chính sách của Ngân hàng nhà nước. Các chính sách của Ngân hàng nhà nước thể hiện quyết tâm của chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Lãi suất vẫn cao

Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn bị các doanh nghiệp cho rằng còn khá cao, chưa thực sự khuyến khích vay. Ông Đỗ Văn Tơ, Giám đốc Công ty Tôn Phước Khanh, cho biết lãi suất có giảm nhẹ nhưng doanh nghiệp đi vay vẫn còn khó. Doanh nghiệp có nhu cầu vay 100 tỷ đồng cũng chỉ được ngân hàng chấp thuận cho vay 60 tỷ đồng. Lý do hạn chế cho vay được ngân hàng giải thích do bị giới hạn mức tăng trưởng tín dụng không vượt quá 30% của Ngân hàng nhà nước.

Cùng với quan điểm trên, ông Lê Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng TP.HCM, cho biết lãi suất đi vay đã giảm nhưng vẫn còn trên dưới 19%/năm thì doanh nghiệp vay sẽ vẫn còn lỗ. Còn theo thạc sĩ Trương Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vật tư-xây dựng Comeco, với mức lãi suất trên 19%, các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong phạm vi vốn tự có. Trong thời gian qua, một số dự án phát triển mở sản xuất kinh doanh của Comeco chưa thể vay ngân hàng. Các doanh nghiệp đang có dự án cũng phải chờ đợi lãi suất giảm xuống hơn nữa. Theo bà Hạnh, lãi suất ngân hàng chỉ vào khoảng 12%/năm mới phù hợp cho các doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM