Hạ tầng giao thông – điểm nhấn thu hút đầu tư của Quảng Bình
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quảng Bình có chiều ngang chỉ 50km, nhưng lại có chiều dài hơn 160km, riêng bờ biển dài gần 120km. Để tận dụng lợi thế phát triển, Quảng Bình rất chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Cảng nước sâu Hòn La, điểm cuối của tuyến Hành lang Đông - Tây tại Quảng Bình
Cảng nước sâu Hòn La, điểm cuối của tuyến Hành lang Đông – Tây tại Quảng Bình

Mũi nhọn đột phá

Mỗi dịp ngang qua Quảng Bình, tuyến ven biển, hay còn gọi là tuyến tránh TP. Đồng Hới là sự lựa chọn của những du khách ưa trải nghiệm, khám phá. Tuyến ven biển dài cả trăm km, xuyên qua những cồn cát trắng, những đồi cát vàng, du khách như lạc giữa sa mạc, hòa cùng bản hòa tấu bổng trầm của những cánh rừng dương phòng hộ ven biển.

Chúng tôi đã đi trên tuyến ven biển này không biết bao nhiêu lần. Mỗi bận ngang qua đây, câu thơ trong bài “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu cứ ngân vang: “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình…”. Những gian khó của vùng “Gió Lào cát trắng” đang lùi xa, nhường chỗ cho một Quảng Bình vươn lên giàu đẹp. Hàng loạt công trình, nhà máy, dự án, đô thị của mảnh đất “Quảng Bình quê ta ơi” đã và đang được xây dựng. Có được điều này, theo ông Hoàng Đăng Cương, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) Quảng Bình, là nhờ có chiến lược đầu tư hạ tầng hiện đại, đồng bộ, kết nối và mở ra cánh cửa thông thoáng cho các nhà đầu tư.

Bước ngoặt phát triển hạ tầng giao thông của Quảng Bình có thể kể đến giai đoạn 2000 – 2009, từ định hướng chiến lược của Trung ương và địa phương, Quảng Bình đã xây dựng quy hoạch về phát triển mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh. Đây là giai đoạn Quảng Bình triển khai nhiều dự án quan trọng, trong đó có Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn I (bao gồm nhánh Đông và nhánh Tây) có chiều dài nhất Việt Nam với tổng 320 km. Song song đó, ngành GTVT Quảng Bình cũng đã triển khai và phối hợp xây dựng nhiều dự án lớn như cảng Hòn La; cầu Nhật Lệ, Kiến Giang, Quảng Hải và sân bay Đồng Hới; đường ven biển các xã bãi ngang từ Bảo Ninh vào Ngư Thủy… Xây dựng Quốc lộ 12 và sửa chữa Quốc lộ 15 (các đoạn không trùng đường Hồ Chí Minh).

Đối với cảng biển Hòn La, hiện tàu thuyền có trọng tải lớn có thể cập bến; sân bay Đồng Hới với đường băng đạt chuẩn có thể phục vụ các loại máy bay A320, A321 và tương đương cất hạ cánh.

“Cửa ra biển bao la, bầu trời đã mở, Quảng Bình từng bước thực hiện hiệu quả các chiến lược then chốt”, ông Cương hào hứng.

Cũng theo ông Cương, một thành công lớn trong việc thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông vận tải là do có biện pháp quản lý chỉ đạo chặt chẽ, coi trọng chất lượng công trình và chống thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, nên ngành GTVT Quảng Bình đã quản lý tốt các dự án, không có biểu hiện tiêu cực, thất thoát ở các công trình. Từ nền móng đầu tư giai đoạn 2000 – 2009, đến năm 2015, hạ tầng giao thông vận tải địa phương đã hoàn thành tất cả các quy hoạch và chiến lược phát triển, kích hoạt tiềm năng, góp phần vào thành tựu thu hút đầu tư của Quảng Bình.

Hội tụ các nhà đầu tư uy tín

Chia sẻ bên lề một hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực duyên hải Bắc Trung bộ, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn phát triển miền Trung có gợi ý rằng, để tăng tốc và phát triển bền vững, Quảng Bình phải thu hút được một số dự án lớn mang tính động lực, khi đó mỗi năm ngân sách thu vào trên chục ngàn tỷ đồng không phải là vấn đề khó. Muốn thu hút được dự án lớn, hạ tầng là lợi thế so sánh mà bất cứ địa phương nào cũng phải đầu tư.

So với các địa phương trong khu vực, Quảng Bình có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và điều kiện địa lý để phát triển các dự án công nghiệp, du lịch, chế biến nông, lâm, thủy sản, nhưng vì sao một thời gian dài ít được các nhà đầu tư để ý đến. Giải pháp đang được Quảng Bình đưa ra sau khi chiến lược mặt tiền biển được kích hoạt và triển khai bằng tuyến ven biển. Các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín đã đến Quảng Bình đầu tư như Vingroup, FLC, Pullman, SCG, Dohwa, CP Group…

Trong bối cảnh mới, khi mà thu hút đầu tư giữa các địa phương ngày càng quyết liệt hơn, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng mà Quảng Bình phải tiếp tục thực hiện.

Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng lần lượt tìm đến Quảng Bình như Hiệp hội Mchin Navi Mumbai, Tập đoàn Bombay Finance India (Ấn Độ); Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc); Tập đoàn Giáo dục KinderWorld; Tập đoàn Năng lượng tái tạo Orange   Renewable (Singapore); Công ty UPC Renewables Asia I Limited; Công ty Sfood (Nhật Bản); Tập đoàn Dhevanand (Thái Lan), hay Tập đoàn SBH Hotels & Resorts (Tây Ban Nha) xin khảo sát dự án đầu tư khách sạn tại Đồng Hới…

Là địa phương nằm ở cuối Hành lang kinh tế Đông – Tây, Quảng Bình là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Bắc Lào, hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông bao gồm đường sông, đường biển, đường bộ, hàng không, đường sắt. Theo kế hoạch, 5 năm tới, tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua sẽ hoàn thành, nhờ ưu thế này, Quảng Bình có thuận lợi trong việc liên kết, kết nối vùng với các địa phương lân cận và với hai đầu đất nước.

Theo ông Hoàng Đăng Cương, thời gian tới, Quảng Bình huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tích cực làm việc với các bộ, ngành, đề xuất Trung ương hỗ trợ được nhiều nguồn vốn và chương trình, dự án cho đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đây là những bước đột phá quan trọng, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy vậy, theo ông Trần Thắng, trong bối cảnh mới, khi mà thu hút đầu tư giữa các địa phương ngày càng quyết liệt hơn, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng mà Quảng Bình phải tiếp tục thực hiện.

Để tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương, nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện  cho địa phương nâng cấp, cải tạo, xây mới nhiều công trình giao thông như: tiếp tục thực hiện dự án Quốc lộ 12A, đoạn tránh Nhà máy xi măng sông Gianh; triển khai thực hiện đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Khe Ve – Cha Lo, Quốc lộ 12A; triển khai thực hiện đầu tư Dự án xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 9B, đoạn km0 – km4 (Quán Hàu – Vĩnh Tuy) và km20 – km52 (ngã ba Vạn Ninh – ngã ba Tăng Ký); phát triển Cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp quản lý các tuyến đường tỉnh 560 và 562 thành quốc lộ và đặt tên là Quốc lộ 9G.

Những kiến nghị chính đáng này đã được lãnh đạo Bộ GTVT ghi nhận và yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam… xem xét kỹ, đồng thời phối hợp với Quảng Bình để giải quyết cụ thể từng vấn đề trong phát triển hạ tầng, cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó có việc triển khai thực hiện đầu tư Dự án xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 9B đoạn Km0 – Km4 (Quán Hàu – Vĩnh Tuy) và Km20 – Km52 (ngã ba Vạn Ninh – ngã ba Tăng Ký); Phát triển Cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp quản lý các tuyến ĐT.560 và ĐT.562 thành quốc lộ…

Để hạ tầng phát triển đồng bộ, đầu tư khoa học, bài bản và bền vững, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan của Bộ phối hợp với tỉnh Quảng Bình rà soát kỹ, thống nhất các dự án phù hợp với quy hoạch đã được duyệt, xác định dự án cấp bách để ưu tiên đầu tư, thúc đẩy kinh tế – xã hội Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững.