Hải Dương vượt bẫy lợi thế để xác lập vị thế mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những điểm vốn được coi là lợi thế lớn của Hải Dương nay đã không còn đủ mạnh nếu so với các địa phương lân cận. Để đẩy mạnh tăng trưởng, Hải Dương phải tạo những giá trị khác biệt.

Hải Dương đã tổ chức thành công chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản đầu tiên của tỉnh với quy mô quốc tế 	Ảnh: Trọng Thắng
Hải Dương đã tổ chức thành công chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản đầu tiên của tỉnh với quy mô quốc tế Ảnh: Trọng Thắng

Nhận diện bẫy lợi thế

Nhìn vào bức tranh kinh tế của tỉnh Hải Dương những năm trước đây, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những điểm sáng. So với một số địa phương lân cận, Hải Dương có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý gần Hà Nội, giao thông thuận lợi khi có quốc lộ 5 chạy qua, quỹ đất rộng và nguồn nhân lực dồi dào để thu hút đầu tư.

Trong 5 năm gần đây (2016 – 2020), tỉnh tiếp nhận 212 dự án FDI mới và gần 200 lượt dự án FDI tăng vốn để mở rộng sản xuất. Tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn này đạt gần 2,8 tỷ USD; số lượng dự án FDI mới tăng gấp 1,7 lần, tổng vốn FDI tăng thêm cao gấp gần 1,5 lần so với giai đoạn 2011 – 2015.

Hải Dương cần tận dụng tốt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển dịch đầu tư đang diễn ra trên thế giới, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của địa phương, liên kết chặt chẽ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

Tính lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 478 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 8,8 tỷ USD. Về quy mô thu hút vốn, tỉnh đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; đứng thứ 4/11 địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 4/7 trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Các dự án FDI đầu tư vào tỉnh có quy mô vốn ở mức khá và trung bình, chưa tạo được đột phá cho tỉnh. Cụ thể, bình quân vốn đăng ký chỉ đạt 17,9 triệu USD/dự án, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố. So sánh với Hải Phòng, chỉ riêng 1 nhà đầu tư lớn là LG đã đầu tư vào dự án tại Hải Phòng bằng 2/3 tổng vốn FDI mà Hải Dương thu hút được (từ những dự án còn hiệu lực). “Điều này cho thấy, chất lượng dòng vốn vào Hải Dương còn chưa cao”, ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đánh giá.

Theo ông Diên, những yếu tố về hạ tầng giao thông và nguồn lao động dồi dào, giá rẻ hiện không còn là lợi thế lớn của tỉnh. Các địa phương lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh đã và đang liên tục đầu tư những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như sân bay, đường cao tốc, cảng quốc tế và đang được hưởng lợi từ những công trình này. Chưa kể, Hải Phòng, Quảng Ninh còn có khu kinh tế (KKT) ven biển, các chính sách ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng khi đầu tư vào KKT cao hơn.

Trong khi đó, hạ tầng của Hải Dương đã bộc lộ những điểm nghẽn, chưa đồng bộ. Cụ thể: hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư; hệ thống giao thông kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (lối lên/xuống tại Bình Giang, Thanh Hà) và một số điểm kết nối các tuyến giao thông nội tỉnh đã quá tải hoặc quy mô không còn phù hợp…

Chính những điều này đã biến vị trí nằm giữa Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng trở thành “bẫy lợi thế” của Hải Dương. Nếu như trước đây, nhà đầu tư thường ưu tiên lựa chọn Hải Dương là điểm đến, thì nay, với hệ thống cao tốc từ Hà Nội đến Hải Phòng và kéo dài đến tận Móng Cái – Quảng Ninh (dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay), Hải Dương dễ trở thành điểm để… đi qua.

Ngoài ra, hệ lụy từ quá khứ khi Hải Dương dễ dàng khai thác các lợi thế sẵn có chính là môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện. Theo dõi thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2006 đến nay, có thể thấy, PCI của Hải Dương có xu hướng đi xuống và tỉnh thường xuyên ở nhóm có chất lượng điều hành thấp. Năm 2019, PCI của Hải Dương tăng 8 bậc, nhưng mới chỉ xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp thứ 10/11 trong Vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2020, dù giữ nguyên thứ hạng, nhưng điểm số của tỉnh lại giảm 1,33 điểm, chỉ đạt 62,52 điểm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI từng cảnh báo: “Ngoài những yếu tố như vị trí địa lý, hạ tầng, chất lượng lao động…, thì chất lượng điều hành cho môi trường tư nhân nếu không có sự thay đổi sẽ dẫn đến sự tụt hậu”. Đó cũng là điều mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nhận diện rất rõ ràng.

Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư

Một trong những giải pháp đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII chỉ ra để thực hiện những chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của nhiệm kỳ 2020 – 2025 là phải thực hiện được 3 khâu đột phá chính. Trong đó, khâu đột phá đầu tiên là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo.

Theo ông Diên, chỉ khi nào Hải Dương thực hiện tốt được điều này, thì mới có thể thực hiện tốt được khâu đột phá thứ hai, là huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại… Mà muốn thực hiện được, thì Hải Dương phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây cũng chính là khâu đột phá thứ 3.

Quy mô nền kinh tế của Hải Dương năm 2020 gấp 1,6 lần so với năm 2015, đứng thứ 11 trên toàn quốc; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.020 USD, đứng thứ 19 trên toàn quốc. Có thể thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay của Hải Dương là nguồn lực đầu tư cho phát triển. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hải Dương đã phân bổ hơn 19.554,9 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển.

Nhìn sang các tỉnh bạn, câu hỏi đặt ra với Hải Dương là, tại sao Quảng Ninh, Hải Phòng lại huy động được nguồn lực xã hội lớn cho phát triển? Câu trả lời là: chính quyền tại những địa phương nãy đã gây dựng được niềm tin tốt cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch, một nền hành chính năng động. Kết quả xếp hạng PCI hằng năm đã cho thấy điều đó.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: “Hải Dương vẫn phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh để tạo ra những công trình hạ tầng mới mang tính động lực; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo. Cùng với đó, Hải Dương sẽ coi trọng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp khác tham gia đổi mới, sáng tạo và chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, công nghiệp hỗ trợ”.

Xác lập vị thế mới

Để có thể tiến kịp và vượt lên, xác lập vị thế mới, Hải Dương không chỉ cần khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng vốn có, mà phải còn phải tạo lập những giá trị khác biệt. Con đường ngắn nhất để thực hiện chính là bắt kịp và vượt lên trong dòng chảy của cuộc cách mạnh 4.0, của cuộc đua chuyển đổi số.

Điều này cũng đã được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh gợi mở cho Hải Dương tại phiên khai mạc Đảng hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII. Cụ thể, Hải Dương cần tận dụng tốt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển dịch đầu tư đang diễn ra trên thế giới, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của địa phương, liên kết chặt chẽ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh.

Trên hành trình đó, với sự cầu thị từ chính quyền, Tập đoàn FPT xác định sẽ đồng hành với Hải Dương. Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu đến năm 2025, có 80% thủ tục hành chính của tỉnh được thực hiện ở mức độ 4 sẽ là giải pháp nhanh nhất để Hải Dương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng chất lượng điều hành.

Nói đi đôi với hành động, ngay từ đầu năm 2021, dù Covid-19 bùng phát trên địa bàn và gây tác động rất nặng nề tới kinh tế – xã hội và đời sống, song những hoạt động liên quan đến đẩy mạnh chuyển đổi số, hợp tác với các “ông lớn” viễn thông trong nước vẫn được diễn ra.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Hải Dương đã khắc phục khó khăn để tổ chức thành công chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản đầu tiên của tỉnh với quy mô quốc tế. Hàng ngàn tấn vải và nông sản nổi tiếng của tỉnh đã được xuất đi nhiều nước trên thế giới. Nông dân Hải Dương dưới sự hỗ trợ của chính quyền lần đầu tiên trở thành “nông dân số”, bán hàng thành thạo trên sàn thương mại điện tử.

“Những lợi thế, kết quả trong thời gian gần đây dù đã tốt hơn, nhưng điều đó vẫn cho thấy, vị thế của Hải Dương không có gì ghê gớm cả (!). Thậm chí, chúng ta phải thấy mình đang ở ‘chiếu dưới’ để có những hành động phù hợp và quyết liệt”, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương luôn nhấn mạnh điều này.