Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngoài vốn đầu tư mới, trong năm 2007 các doanh nghiệp Hàn Quốc còn đầu tư bổ sung 467 triệu USD cho các dự án đang triển khai tại Việt Nam. Như vậy, số vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã lập kỷ lục mới, sau thời gian gia tăng liên tục và đạt mức 2,7 tỷ USD vào năm 2006, cao nhất từ khi các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam năm 1988.

Cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng đang có sự thay đổi lớn với sự gia tăng đáng kể các dự án và số vốn rót vào lĩnh vực bất động sản và mở rộng sang các ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam như năng lượng, hóa chất, hóa dầu, sản xuất thép, thay vì chỉ tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, giày dép.

Hàn Quốc cũng được ghi nhận là một trong những nhà đầu tư có sự đột phá về quy mô vốn cho mỗi dự án với hàng loạt dự án có vốn đầu tư lớn đang triển khai như xây dựng cụm tháp đôi khách sạn 5 sao Hà Nội Plaza và khu văn phòng cao cấp với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn Charmvit, dự án xây dựng tổ hợp văn phòng và khách sạn Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.

Theo đánh giá của Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra), sở dĩ Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc, là do những lợi thế về giá nhân công thấp, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và nằm ở vị trí địa lý lý tưởng là trung tâm khối ASEAN.

Hơn nữa, việc Việt Nam gia nhập WTO hồi đầu năm 2007 và Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-ASEAN có hiệu lực từ tháng 6/2007 cũng đã góp phần đưa Việt Nam “trở thành một thị trường rất quan trọng” của các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Kết quả thăm dò ý kiến do Hiệp hội thương mại Hàn Quốc vừa tiến hành đối với 580 doanh nghiệp nước này cho thấy, trong tương lai, Việt Nam sẽ là địa chỉ đầu tư hấp dẫn thứ 2 đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc. Tại thời điểm này, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Posco, Samsung, Lotte, Kumho Asiana cũng đã có mặt tại Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi mà chính sách đầu tư của Việt Nam mang lại, có hai vấn đề làm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc lo ngại là hạ tầng cơ sở hạn chế và giá thuê đất cao. Ngoài ra, việc thiếu thông tin và bất đồng ngôn ngữ cũng là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam.

Về phía cơ quan chủ quản, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, cấp thoát nước, các công trình giao thông, cảng biển nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực sẽ được Chính phủ đặc biệt chú trọng trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với cam kết cắt giảm mạnh mẽ thuế nhập khẩu hàng hóa theo lộ trình WTO, Việt Nam cũng tiếp tục lộ trình mở cửa các ngành dịch vụ, trong đó có một số ngành quan trọng như dịch vụ kinh doanh viễn thông, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán để tạo thuận lợi hơn cho các đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam