Hàng thật đối phó với hàng nhái: Kẻ tám lạng, người nửa cân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nỗi đau khó nói

“Ông Đầy đâu? Ra đây! Ông làm ăn gì mà kỳ vậy, nói một đường bán máy một nẻo. Bỏ ra cả trăm triệu đồng để rước cái máy “điếc” này về à?!”, người khách trạc 50 tuổi lớn tiếng trước một công ty cơ khí nằm trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, TPHCM. Nghe gọi tên, anh Đầy ra tiếp khách. “Ủa, ông là Đầy hả, sao bữa trước đến khu này mua máy tôi gặp một người khác cũng giới thiệu mình tên là Đầy”. Hỏi rõ ra anh mới biết vì muốn núp bóng thương hiệu của công ty nên lâu nay khi giao dịch với khách, chủ của hai cơ sở sản xuất cơ khí nằm kế bên cũng lấy tên là Đầy nên mới gây ra sự nhầm lẫn.

Một lần khác, sau khi đạt thỏa thuận với nhóm khách Thái Lan về giá máy cán tôn, máy cán xà gồ, họ hẹn anh Đầy chiều hôm đó đến khách sạn để ký hợp đồng. Trước giờ hẹn không lâu, anh Đầy được đoàn khách Thái Lan thông báo là họ vừa ký hợp đồng với người bạn đồng nghiệp của anh, do giá thành thấp hơn 15%. Vừa buồn vừa giận, anh Đầy điện thoại cho người bạn thì nhận được câu trả lời thách thức: “Tôi làm vậy đó, ông làm gì tôi?”.

Nay thì công việc kinh doanh phát triển, anh Nguyễn Đình Đầy, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển kỹ thuật, đã chuyển công ty về hoạt động tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiên Hòa, quận 4, chuyên cung cấp thiết bị công nghiệp và chế tạo hệ thống băng tải, băng chuyền phục vụ cho siêu thị, kho cảng và các đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm. Anh Trần Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty, cho biết sau mỗi sáng chế của Thiên Hòa được thị trường đón nhận, một số kỹ sư tách ra làm riêng và sau đó trở thành đối thủ cạnh tranh với công ty. “Khi biết tin Thiên Hòa sắp ký hợp đồng cung cấp dây chuyền tự động cho một doanh nghiệp nào đó, các “đối thủ đồng nghiệp” thường dùng chiêu hạ giá để giành khách. Lúc này khách hàng quay lại bắt bẻ tại sao cùng một loại sản phẩm nhưng giá của Thiên Hòa lại cao hơn đơn vị khác, mà không hề quan tâm đến chất lượng của máy móc”, anh Sơn kể.

Thêm một trường hợp khác là ông Hoàng Thịnh, chủ doanh nghiệp cơ khí ở huyện Krông Ana, tỉnh Daklak. Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2002 ông Thịnh thiết kế thành công máy đùn gạch có gắn trục cào. Sản phẩm này được Cục Sở hữu công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Theo xác nhận của 11 chủ lò gạch lớn ở huyện Krông Ana, khi sử dụng máy có gắn trục cào theo sáng chế của ông Hoàng Thịnh, công suất đùn gạch tăng từ 1,5-2,5 lần và đặc biệt không còn xảy ra tai nạn cuốn dập tay vào máy như trước đây. Ngay sau khi chiếc máy đùn gạch có trục cào được bảo hộ, hai cơ sở cơ khí trên địa bàn huyện Krông Ana bắt chước làm nhái sản phẩm để bán với giá rẻ hơn. Việc làm nhái sản phẩm của cơ sở Hoàng Thịnh xảy ra không chỉ trong tỉnh Daklak mà còn lan ra các tỉnh Đắk Nông, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương. Quá bức xúc, đầu năm 2003, ông Thịnh gửi đơn khiếu nại đến các ngành chức năng đồng thời nhờ Công ty Luật SGTT HAVIP ở Hà Nội hỗ trợ. Theo đánh giá của Công ty Luật SGTT HAVIP, từ năm 2003-2005, đã có khoảng 900 máy đùn gạch vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất và tiêu thụ tại các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Cũng ngần ấy thời gian ông Thịnh đã gửi đơn thư khiếu nại đến Cục Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ và ngành chức năng ở các địa phương nêu trên đề nghị có biện pháp xử lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nhưng đến nay hầu như không đem lại kết quả nào đáng kể (Báo Thanh Niên, 4-11-2007).

Giữ thế cạnh tranh

Để chế tạo thành công một loại máy hay dây chuyền tự động, các doanh nghiệp phải mất thời gian nghiên cứu trung bình khoảng bốn năm, với vốn đầu tư vài trăm triệu đồng tùy theo loại máy. Gian nan, cực nhọc là thế nhưng một khi máy cơ khí, tự động hóa mới xuất hiện trên thị trường chưa được bao lâu thì các doanh nghiệp này phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với hàng nhái, mặc dù sản phẩm đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. “Khi biết đối thủ giành khách của công ty với giá bán rẻ hơn, các kỹ sư của Thiên Hòa sẽ phân tích, nghiên cứu kỹ về các điểm hạn chế của chiếc máy nhái. Thông thường các loại máy nhái sau một thời gian ngắn hoạt động sẽ mắc lỗi kỹ thuật và đó cũng là lúc Thiên Hòa lấy lại khách hàng”, anh Sơn cho biết.

Theo anh Nguyễn Đình Đầy, trong xu thế làm ăn hiện nay nếu cứ mải lo cạnh tranh về giá thì không thể đảm bảo chất lượng của máy móc. Vì thế “bí quyết” của công ty anh là không ngừng nâng cao chất lượng máy, tăng tính hiện đại và lập trình vận hành máy tự động. “Nếu kỹ thuật chế tạo máy của mình lúc nào cũng đi trước đối thủ thì không ngại gì sự cạnh tranh. Chất lượng và sự ổn định của máy móc khi hoạt động chính là yếu tố then chốt để khách hàng chọn sản phẩm của công ty”, anh Đầy nhận định.

Trường hợp của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp (trường Đại học Bách khoa TPHCM) thì có khác. Theo PGS.TS. Vũ Đình Chỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp, tại trung tâm không xảy ra tình trạng đồng nghiệp tách ra làm ăn riêng nhưng vẫn bị các đối thủ nhái hàng như dây chuyền chế biến hạt điều, thiết bị đốt rác y tế, máy cán tôn, máy sấy củ mì, máy sản xuất nước đá sạch… “Phải thừa nhận các cơ sở sản xuất hàng nhái trình độ cũng rất khá. Nếu trung tâm không lường trước tình trạng ăn cắp bản quyền, thay đổi kiểu dáng máy móc của các đối thủ thì uy tín của trung tâm sẽ bị giảm sút”, PGS. Vũ Đình Chỉnh nhận xét.

Các doanh nghiệp, hoặc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thiết bị công nghiệp trong nước thường sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất đại trà. Do đó, mỗi loại máy móc thường có sự khác biệt về kiểu dáng, kích thước, quy chuẩn kỹ thuật và giá bán cũng khác. “So với máy ngoại nhập thì máy móc do các đơn vị trong nước sản xuất có giá rẻ hơn từ 30-40%, chất lượng cũng tương đương”, anh Đầy cho biết. Chính vì chất lượng máy móc hoạt động ổn định, giá thành rẻ cho nên ngoài khách hàng trong nước, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp ở Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia đã đặt hàng với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển kỹ thuật. Tại Thiên Hòa, công tác tư vấn cho khách hàng tiết giảm chi phí khi đầu tư máy móc rất được chú trọng. “Thay vì phải mua một loại máy tự động do nước ngoài sản xuất có giá hơn 80.000 đô la Mỹ, chúng tôi đã tư vấn cho một công ty chọn một giải pháp kỹ thuật khác do doanh nghiệp trong nước sản xuất, giá chỉ bằng một phần ba”, anh Sơn kể.

“Hàng nhái xuất hiện khắp nơi, trên mọi lĩnh vực nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm xử lý tới nơi tới chốn đã khiến những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng thiết bị công nghiệp như chúng tôi rất chán nản”, PGS. Vũ Đình Chỉnh bày tỏ. Đối với các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chế tạo máy, thiết bị tự động hóa, chưa bao giờ nhu cầu liên kết để tạo nên sức mạnh, bổ sung cho nhau đồng thời tránh sao chép lẫn nhau lại trở nên cấp bách như bây giờ. “Đã đến lúc các doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo máy liên kết để trao đổi về kỹ thuật. Mỗi đơn vị có một thế mạnh khác nhau, nếu chúng ta biết phát huy, sức mạnh ấy sẽ nhân đôi”, anh Sơn nói.

Vừa thiếu vừa yếu

Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã nêu rõ: “Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có nền tảng, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước…”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2004 cả nước có gần 53.000 cơ sở sản xuất cơ khí, trong số đó 50% là các cơ sở cơ khí chế tạo, lắp ráp, còn lại là các cơ sở sửa chữa. Năm 2005, tại TPHCM có gần 9.000 cơ sở sản xuất cơ khí. Tỷ trọng ngành cơ khí trong công nghiệp TPHCM tăng dần, năm 1995 là 9,9%, năm 2000 tăng lên 16,3% và năm 2004 là 17,3%. Ngành cơ khí TPHCM đóng góp một phần ba giá trị sản xuất ngành cơ khí cả nước, trong đó cơ khí sản xuất máy móc và thiết bị chiếm khoảng 44%, sản xuất thiết bị điện 52% và sản xuất dụng cụ y tế, chính xác, dụng cụ quang học và đồng hồ chiếm trên 60%.

Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng nhưng thời gian qua lại thiếu liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp khác trên địa bàn và với các tỉnh thành bạn, đặc biệt là các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngành cơ khí TPHCM mặc dù vẫn đứng đầu so với cả nước nhưng xét toàn diện vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Quy mô sản xuất và doanh nghiệp đại bộ phận là nhỏ, không đúng với tầm cỡ và yêu cầu. Vốn tài sản nghèo, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Giá trị hao mòn chiếm đến 38,6%, giá trị còn lại 61,4%. Số doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến 11,1%, đầu tư mới lại chậm và thiếu đồng bộ. Đa phần doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình kém và lạc hậu chiếm 63,2%.

Hiện toàn ngành thiếu những nhà máy có trình độ công nghệ hiện đại, chủ lực để làm trung tâm cho việc chuyên môn hóa, hợp tác hóa, một yêu cầu quan trọng của sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng hai đến ba thế hệ so với các nước trong khu vực.

Ngoài việc đầu tư trang thiết bị mới, nâng cao năng lực ngành cơ khí chế tạo máy, Việt Nam cần có các đề tài nghiên cứu, dự án chế tạo thử nghiệm các thiết bị tiên tiến, phù hợp với trình độ công nghệ ở nước ta, có tính kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Đồng thời sau đó phải có công đoạn hoàn chỉnh sản phẩm chế thử, đưa vào sản xuất theo hướng gọn nhẹ, chuyên môn hóa cao để hạ giá thành sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Nguyễn Lê

(Nguồn: Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) và Sở Công nghiệp TPHCM)

Một số hạn chế của ngành cơ khí ứng dụng

Hiện tại các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm ngành cơ khí chế tạo tại Việt Nam khó được ứng dụng vì: sản phẩm chế tạo chưa được khách hàng tin dùng, tâm lý thích dùng đồ ngoại còn nhiều, chất lượng máy móc còn thấp, độ tin cậy không cao do ít có điều kiện chế tạo thử nhiều lần để rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh công nghệ. Các đề tài nghiên cứu chưa gắn liền với yêu cầu và quyền lợi của khách hàng. Mỗi đề tài nghiên cứu cần có doanh nghiệp tài trợ, kết quả nghiên cứu phải được giữ bản quyền. Ngành cơ khí chế tạo máy đòi hỏi vốn lớn, khả năng hoàn vốn chậm nên rất khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư.

Ông Lê Phước Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn Hoa Sen, tỉnh Bình Dương, cho biết hiện tại các nhà máy của công ty đang sử dụng khoảng 100 loại máy cán tôn, xà gồ… do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. “Máy “made in” Việt Nam có giá thấp hơn máy nước ngoài sản xuất khoảng 30%, tuy nhiên độ chính xác chưa cao, hoạt động thiếu ổn định”, ông Vũ nhận xét.

Chính vì thế, theo ông Vũ, các đơn vị hoạt động trong ngành cơ khí, tự động hóa cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất, để kết quả nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho sản xuất, lấy lòng tin của khách hàng, tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn