Hàng Việt vào EU: Gia tăng thị phần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chia sẻ tại Hội thảo Quy chế GSP mới của EU: Cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu vào thị trường châu Âu ngày 25/2/2014, ông Trần Ngọc An- Vụ trưởng Đặc trách EU (Bộ Ngoại giao) – cho biết, với GSP mới, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có những ưu đãi về thuế khi xuất sang EU trên cơ sở đơn phương, tức là EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam mà không đòi hỏi yêu cầu ngược lại.

GSP mới tiếp tục là công cụ hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua hình thức giảm thuế cho hàng hóa xuất khẩu tiếp cận thị trường EU và Việt Nam là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ quy chế này. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng GSP mới để tăng giá trị xuất khẩu sang EU. Với Việt Nam, ngoài các sản phẩm đang được hưởng ưu đãi thuế quan GSP của EU, có thêm hai nhóm hàng khác được hưởng ưu đãi này từ ngày 1/1/2014 là giày dép, mũ và ô dù.

Bộ Công Thương vừa thuyết phục Ủy ban châu Âu (EC) cho phép gia hạn GSP hai năm sau khi FTA có hiệu lực nhằm giúp các doanh nghiệp có thể thiết lập mảng thị phần vững chắc hơn tại EU.

Ông Franz Jessen – Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam – nhấn mạnh, GSP đang là vấn đề được quan tâm, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU ngày càng tăng và khi FTA chưa được ký kết thì lợi ích các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng sẽ tùy thuộc vào hệ thống GSP. Việt Nam chưa tận dụng tối đa lợi thế khi mới có 7% mặt hàng xuất khẩu sang EU được hưởng GSP. Hy vọng năm 2014, số lượng mặt hàng được hưởng GSP của Việt Nam sẽ tăng đáng kể và có thể đạt 40%.

Đáng lưu ý, việc có ưu đãi thuế quan GSP cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt khi đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc đang bị áp thuế MFN (hơn GSP trung bình 3%).

Tuy nhiên dù quy chế GSP mới của EU có nhiều ưu đãi đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, song theo ông Trần Ngọc Quân – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể “vượt ngưỡng trưởng thành” (chiếm 17,5% thị phần) trong thời gian tới, nghĩa là không còn được hưởng ưu đãi nữa. Đơn cử như với mặt hàng cà phê, thị phần của cà phê Việt Nam theo GSP hiện hành là 12,11%, nếu áp dụng GSP mới, thị phần có thể lên tới 21,68%, vượt ngưỡng trưởng thành. Còn đối với giày dép Việt Nam vừa được EU cho hưởng lại GSP nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP, thị phần nhóm hàng này đạt 34% vượt ngưỡng trưởng thành.

Bên cạnh đó, lợi thế cạnh tranh do GSP đem lại không mang tính bền vững, vì việc đáp ứng được các quy tắc của GSP và thời hạn có hiệu lực của GSP không phải là mãi mãi. GSP cũng làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, không tạo sức ép để tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng và do đó không tạo ra sự cân bằng động trong xuất khẩu.

Để tận dụng triệt để các ưu đãi, ông Trần Ngọc Quân kiến nghị, các doanh nghiệp cần thường xuyên tham vấn với Bộ Công Thương nhằm kịp thời thông báo các vướng mắc khi tiếp cận thị trường và nắm bắt tiến trình đàm phán FTA để điều chỉnh chiến lược thị trường linh hoạt. Đặc biệt, phối hợp với Bộ Công Thương để vận động EU tiếp tục trao GSP cho Việt Nam nhằm đảm bảo cơ chế tiếp cận thị trường ổn định.

Hùng Cường