“Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới – Kỳ 5: Cần một cuộc “cách mạng hóa” tư duy kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các khoản chi tiêu tài khóa, tiền tệ cho đến hiện tại vẫn chưa cho thấy đúng nghĩa điều gì gọi là “kích thích”. Chúng ta cần cuộc “cách mạng hóa” tư duy kinh tế để thay đổi số phận.

Trong khi các quốc gia giàu có tranh luận sôi nổi về việc cần phải “hành động lớn” bằng các gói kích thích tài khóa, tiền tệ vừa lớn, vừa chưa có tiền lệ nhằm ứng phó với Covid-19, thì các quốc gia mới nổi lại xem chống dịch là ưu tiên hàng đầu, đồng thời thúc đẩy các cải cách mang tính cấu trúc. Vậy phải làm gì để đừng lỡ hẹn chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới? 

Ngành giao thông – vận tải bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh: Đ.T

Kỳ 5: Cần một cuộc “cách mạng hóa” tư duy kinh tế

Các khoản chi tiêu tài khóa, tiền tệ cho đến hiện tại (và phác thảo một số dự kiến tương lai của các bộ, ngành) vẫn chưa cho thấy đúng nghĩa bất kỳ điều gì gọi là “kích thích”. Tất cả chỉ là “giảm đau” – nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế – y tế trong gần 2 năm qua. Chúng ta cần một cuộc “cách mạng hóa” tư duy kinh tế để thay đổi số phận.

Tầm nhìn dài hạn trong thế giới của các đòi hỏi ngắn hạn

Trước mắt, “vết sẹo” quá lớn từ Covid-19 sẽ bình thường trở lại như thế nào phụ thuộc vào độ lớn và cách thiết kế gói chi tiêu và đầu tư công của Nhà nước. Đó mới là vế thứ nhất của phương trình. Vế thứ hai, rất khó thay đổi, thuộc về tầm nhìn và tư duy kinh tế.

Kinh nghiệm giúp các nhà kinh tế nhận ra, các cuộc suy thoái kinh tế trong quá khứ có tác động rất lâu dài, với GDP sụt giảm 4%/năm kéo dài trong 5 năm (theo IMF). Vì vậy, kinh nghiệm cũng mách bảo, phải có những đánh giá đáng tin cậy về thiệt hại và thời gian kéo dài của Covid-19. Từ đánh giá khoa học, chúng ta mới có nhận biết tương đối để thiết kế các gói hỗ trợ kinh tế giảm đau  nhằm tránh rủi ro suy thoái kéo dài.

Ngay cả khi chấp nhận số tiền từ các gói giảm đau là rất lớn, thậm chí dù có đủ nguồn lực cân đối, thì chúng ta cũng phải tỉnh táo thiết lập tầm nhìn dài hạn trong thế giới của các đòi hỏi ngắn hạn. Các nhà hoạch định chính sách cần có những quyết định dũng cảm để không cấp giấy thông hành đối với các ngành nghề không phải là tương lai của con tàu toàn cầu mới, cho dù hiện tại, họ có thể là những người có tiếng nói để đòi hỏi các gói hỗ trợ lớn.

Cái giá phải trả của những quyết định nửa vời có thể biến các “sẹo” trở thành các “doanh nghiệp xác sống”, gây tổn hại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong dài hạn. “Sự hủy diệt mang tính sáng tạo” rất cần được các nhà hoạch định chính sách mạnh dạn ứng dụng trong các trường hợp này.

Bản chất “độc nhất” của cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe hiện nay

Lập luận trên dẫn chúng ta đến cách tiếp cận tiếp theo. Vậy bản chất của cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe đang diễn ra là gì? Không như các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, thật may mắn, bản chất độc nhất của cuộc khủng hoảng lần này là chúng lại đang mở ra các kênh hoạt động mới để bù đắp thiệt hại và hướng đến một tiềm năng tăng trưởng mới, cao và bền vững hơn.

Nghịch lý là dường như Covid-19 lại mở ra một tương lai tốt đẹp hơn. Xu hướng làm việc từ xa chắc chắn làm cho các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như vận tải, hàng không thoái trào, nhưng lại mở cơ hội cho các lĩnh vực có năng suất cao hơn và sạch hơn.

Trong lĩnh vực xây dựng, đại dịch đang mở ra xu hướng mới là xây các tòa nhà có thể tái tạo, thay vì phá bỏ như trước.

Trong lĩnh vực kinh tế số, một làn sóng số hóa đang diễn ra, đặc biệt khi chúng đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi đại dịch. Số hóa nền kinh tế, “bây giờ hoặc không bao giờ”, chắc chắn không phải là cách nói cường điệu.

Một mặt, thể chế cần phải mở ra phù hợp để đẩy nhanh tốc độ số hóa nền kinh tế. Điều này đặt ra cho chúng ta gợi ý, nên chăng, các gói giảm đau phải kèm theo điều kiện doanh nghiệp thụ hưởng cần đáp ứng những yêu cầu chuyển đổi số. Biết rằng, cứu trợ cần phải tiến hành khẩn cấp, nhưng trong điều kiện nguồn lực có hạn, chúng ta buộc phải chấp nhận hy sinh các lợi ích ngắn hạn.

Mặt khác, cách đặt vấn đề như thế sẽ đưa chúng ta đến tầm nhìn dài hạn hơn khi thiết kế các gói hỗ trợ. Theo đó, các gói hỗ trợ phải tự nó chuyển hóa thành “phục hồi”. Điều này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách nhiều hàm ý.

Chỉ bàn riêng trong lĩnh vực tài khóa, chẳng hạn, với chính sách thuế bảo vệ môi trường chống khí thải carbon để hạn chế lĩnh vực ô nhiễm nhằm khuyến khích ngành công nghiệp xanh phát triển, hoặc các chính sách thuế nhiều ưu đãi hơn trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, nếu được thiết kế tốt, các khoản ưu đãi miễn giảm (hoặc tăng) thuế sẽ giúp quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh hơn.

Về chính sách tiền tệ, chỉ tính riêng trong ASEAN-4, các chính sách phi truyền thống cũng được cân nhắc áp dụng một cách cẩn trọng. Malaysia và Thái Lan sử dụng các hoạt động cho vay của ngân hàng trung ương để bơm thêm thanh khoản cho nhiều doanh nghiệp, trong khi Indonesia và Philippines sử dụng công cụ nới lỏng định lượng (mua tài sản) quy mô lớn.

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá độ tin cậy, song cho đến giờ, chính sách tiền tệ phi truyền thống cũng đã tạm thời ngăn chặn làn sóng doanh nghiệp phá sản. Điều đáng lưu ý là, không nước nào trong ASEAN-4 áp dụng nhiều hơn 1 trong số 5 công cụ chính sách tiền tệ phi truyền thống. Cách tiếp cận thận trọng này là kinh nghiệm đáng để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cân nhắc áp dụng trong những tình huống khẩn cấp, khi lời kêu gọi hệ thống ngân hàng cùng chung tay “chia sẻ” với doanh nghiệp ít có tác dụng trên thực tế.

Để giảm thiểu các tác dụng phụ của chính sách phi truyền thống, chúng ta phải biết cách chọn ra “người chiến thắng” theo những tiêu chí phù hợp. Tiêu chí “chuẩn nhất” là hoạt động bảo lãnh cho vay hoặc cho vay trực tiếp của ngân hàng trung ương chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp vẫn chưa bị âm vốn chủ sở hữu. Tất nhiên, điều này không loại trừ khả năng chúng ta vẫn cân nhắc nới lỏng nhiều điều kiện hơn để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn “oxy” khẩn cấp từ Nhà nước.

“Hành động lớn” đòi hỏi phải có cuộc “cách mạng hóa” tư duy kinh tế

Với những vết sẹo dài hạn do Covid-19 gây ra, hành động khẩn cấp, nhưng lại là nhân tố làm “thay đổi cuộc chơi” là chiến lược ngoại giao vắc-xin, nên chúng ta phải bằng mọi giá xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất vắc-xin tự chủ của người Việt Nam.

Đại dịch tuy không mong muốn, nhưng lại mở ra chiếc hộp Pandora để các nhà kinh tế và hoạch định chính sách nhìn lại chính mình. Bây giờ hoặc không bao giờ.

Các gói hỗ trợ kinh tế gắn với chính sách tiền tệ liên quan đến giảm lãi suất, gia hạn nợ, thậm chí nếu áp dụng cả chính sách phi truyền thống như ASEAN-4, cũng chỉ nên hiểu là gói giảm đau. Chính sách tiền tệ, thậm chí cả chính sách tài khóa ở quy mô lớn, cũng chỉ là giảm nhẹ nỗi đau, tránh cho vết sẹo biến chứng. Trong khi đó, để chữa lành sẹo, tái tạo mới để chuyển sang đoàn tàu toàn cầu mới lại đòi hỏi các vấn đề liên quan đến thể chế và cách thức sử dụng nguồn lực quốc gia.

Cải cách thể chế là yếu tố quan trọng bậc nhất để dịch chuyển vĩnh viễn đường tổng cung thoát khỏi vị thế hiện tại và từ đó, đưa sản lượng tiềm năng lên một đỉnh cao mới. Đề xuất của các chuyên gia trong loạt bài trên Báo Đầu tư, như của TS. Hồ Quốc Tuấn khi bàn về việc xây dựng ngành công nghiệp y sinh học quốc gia, của PGS-TS Trần Đình Thiên về việc ưu tiên cho các trụ cột của nền kinh tế vì không có bát cháo chia đều, hoặc của TS. Nguyễn Đức Kiên về tư duy gỡ bỏ rào cản và cách hiểu đúng vấn đề “mở cửa” chính là những gợi ý chính sách cơ bản để dịch chuyển đường tổng cung [dài hạn] sang một vùng tăng trưởng tiềm năng mới.

Nhưng trước mắt, các cải cách cấu trúc, tăng chi tiêu đầu tư của Nhà nước (vốn mồi để lan tỏa sang khu vực tư nhân) thường bị các tư duy kinh tế truyền thống áp đặt là sẽ tạo ra áp lực lạm phát. Cách mạng hóa trong tư duy kinh tế có thể bắt đầu từ việc xem lại cách đặt vấn đề quá truyền thống, vốn đang xa rời thực tế.

Các tranh luận cổ điển và tư duy kinh tế thông thường đều dạy chúng ta rằng, nền kinh tế chỉ có một điểm cân bằng. Khi mất cân bằng, hãy cứ để cho thị trường (khu vực tư nhân) tự điều chỉnh trở lại trạng thái ban đầu. Chính sách tiền tệ và tài khóa trong trường hợp này chỉ có tác dụng làm cho lạm phát tăng tốc. Tư duy kinh viện khiến các nhà hoạch định chính sách nước nhà cứ mãi kẹt trong ý tưởng “bằng mọi giá phải ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô”. Chúng ta dựa trên giáo khoa thư cổ điển chỉ có một điểm cố định, trong khi thế giới  đã thay đổi quá nhiều, với nhiều điểm cân bằng di động.

Không giống bất kỳ cú sốc nào trong quá khứ, Covid-19 để lại quá nhiều vết sẹo. Chúng không phải “tạm thời”, mà còn kéo dài rất nhiều năm, ở nhiều khu vực khác nhau của nền kinh tế.  Khi một nền kinh tế có quá nhiều lỗ hổng, sẽ rất lâu mới có thể quay về điểm xuất phát, thậm chí không bao giờ, nếu không có các khoản đầu tư công rất lớn.

Trong trường hợp này, nếu quá thận trọng với việc thiết kế các gói kích thích tài khóa không đủ lớn, hậu quả có thể làm lạm phát tăng tốc (do nút thắt cổ chai tổng cung). Điều may mắn là cú sốc Covid-19 lại đang mở nhiều cơ hội lịch sử để thay đổi “lời nguyền” này. Một định chế bảo thủ như IMF, với những lời khuyên về các “toa thuốc độc” tăng lãi suất thực, hay áp dụng chính sách “thắt lưng buột bụng” mỗi khi một quốc gia nào đó rơi vào suy thoái, giờ cũng đã thay đổi quan điểm khi cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển cần phải chấp nhận tăng không gian tài khóa, tiền tệ nhiều hơn nữa.

Các gói kích thích tài khóa tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối các khu kinh tế trọng điểm, các dự án chuyển đổi số, các khoản đầu tư lớn chống biến đổi khí hậu… đều có khả năng chuyển nền kinh tế sang một con đường tăng trưởng mới, cao, nhanh và bền vững hơn. Chúng có khả năng tạo ra nguồn cung của nền kinh tế cao hơn để đáp ứng nhiều hơn tổng cầu (nhu cầu tạo ra từ các gói kích thích kinh tế quá lớn, điều mà các nhà kinh tế lo ngại dẫn đến lạm phát). Một cú sốc năng suất tích cực theo cách này sẽ dẫn đến “giảm lạm phát”, thay vì lạm phát (như các tư duy truyền thống).

Luận điểm “bằng mọi giá phải ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô” đối với chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, nhưng cần phải đảo ngược các logic phân tích truyền thống. Thay vì cho rằng, quy mô các gói kích thích tài khóa tác động đến nợ công và lạm phát, chúng ta nên chuyển từ việc phân tích các triển vọng kinh tế mới và năng suất lao động để tư duy ngược lại quy mô của các gói kích thích kinh tế. Trước khi đại dịch xảy ra, nhiều người cho rằng, cách tư duy này là không có cơ sở kinh tế. Đại dịch tuy không mong muốn, nhưng lại mở ra chiếc hộp Pandora để các nhà kinh tế và hoạch định chính sách nhìn lại chính mình. Bây giờ hoặc không bao giờ.

 

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!