Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP): Vị thế mới cho hàng Việt Nam xuất khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều cơ hội

Nhật Bản là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam (VN), sau Mỹ, XK của VN sang Nhật trong năm 2007 đạt trên 6 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2006; trong đó, các mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng được xem là thế mạnh của Việt Nam.

Ông Lê Quang Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công thương cho biết, theo cam kết AJCEP, có 7.264/9.111 dòng sản phẩm hàng hóa XK của VN vào thị trường Nhật Bản được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-12-2008.

Trong đó, có khoảng 4.000 dòng sản phẩm đã được hưởng thuế suất 0% trước khi hiệp định có hiệu lực. Đợt giảm thuế đầu tiên có hiệu lực từ 1-12-2008, các lần cắt giảm thuế hàng năm sẽ thực hiện trong giai đoạn từ 1- 4 đến 31-3 năm sau.

Các thông tin liên quan đến các thủ tục về Quy tắc xuất xứ C/O mẫu AJ triển khai đến DN chậm so với ngày có hiệu lực, tuy nhiên các đơn hàng XK sang Nhật trong giai đoạn có hiệu lực sẽ được hoàn thuế sau này. Dự kiến, trong khoảng 1-2 tháng tới, Bộ Công thương sẽ ban hành văn bản pháp lý thực hiện cam kết giảm thuế, đến lúc đó các DN sẽ làm thủ tục hoàn thuế.

Theo cam kết AJCEP, các mặt hàng sẽ giảm theo lộ trình. Mặt hàng dệt may XK vào Nhật Bản từ 1-12-2008 được hưởng thuế suất 0% cho hầu hết các cat. (nhóm) hàng, thay cho 5% thuế hàng dệt, 10% hàng may mặc trước đây. Đối với hàng nông sản, Nhật Bản cam kết bỏ thuế cho 83,8% giá trị thương mại (GTTM) nông sản của VN.

Trong đó, 69,6% GTTM sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế ngay; 23/30 mặt hàng XK hàng đầu của VN sẽ không chịu thuế suất từng bước trong 10 năm. Các sản phẩm nông sản, củ quả được hưởng thuế 0% gồm: gừng, tỏi, sầu riêng, chôm chôm, mơ, vải đóng hộp, măng tươi, nấm, khoai tây, măng tây, chè, cà phê, cá đông lạnh, tôm, cua biển.

Với hàng công nghiệp, 88% GTTM không chịu thuế từ năm 2008, 92% GTTM không chịu thuế từ năm 2018, 97% GTTM chịu thuế từ 0% đến 5%. Các mặt hàng hưởng thuế suất 0% gồm: cơ khí, cáp điện, máy tính, linh kiện, đồ gỗ, dệt may.

Cơ chế cam kết khá phức tạp

Hiệp định AJCEP có hiệu lực sẽ mở ra lợi thế cho nhiều mặt hàng XK thế mạnh của VN, tuy đi kèm với đó là những cam kết khá chặt của Nhật Bản. Việc khai thông cánh cửa vào một thị trường khó tính, có nhiều ràng buộc về tiêu chí xuất xứ, đáp ứng tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là thách thức đối với VN. Hàng dệt may được giảm thuế 5%-10% là một động lực lớn cho các DN XK.

Tuy nhiên, cái lợi thật sự không lớn lắm vì tăng trưởng dệt may của VN vào thị trường Nhật trong những năm gần đây khá chậm. Hiện giá trị XK của hàng dệt may vào Nhật chỉ đạt khoảng 800 triệu USD, chỉ chiếm 9% thị phần XK của hàng dệt may VN. Để hưởng thuế suất 0%, hàng dệt may XK vào Nhật phải đáp ứng được tiêu chí: phải sử dụng nguyên phụ liệu, vải nhập khẩu từ Nhật Bản, của các nước ASEAN hoặc nguồn vải trong nước sản xuất.

Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ dệt vải của VN còn yếu, nhiều dự án sản xuất vải chưa đi vào hoạt động. Tiêu chí đối với giày da cũng khá chặt, không được nhập khẩu các bộ phận sản xuất giày từ ngoài khối. Giày da được xem là mặt hàng chiến lược lâu dài của VN tại thị trường Nhật.

Nhật Bản nổi tiếng là nước có bảo hộ về nông sản, thủy sản, theo cam kết mặt hàng nông sản sẽ giảm chậm so với mức giảm trung bình. Bộ Công thương cho biết, để giải quyết rào cản về ATVSTP vào thị trường Nhật, các cơ quan của VN – Nhật Bản sẽ thành lập một ủy ban để xử lý các tiêu chí ATVSTP, các nước sẽ cử đại diện làm việc trong ủy ban này. Nhật Bản cũng cam kết sẽ hỗ trợ VN xây dựng một trung tâm về ATVSTP để đáp ứng tốt các tiêu chí.

Trước tình hình này, theo ông Lê Quang Lân, VN vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 30% XK vào thị trường Nhật trong năm tới. Nhưng mục tiêu lớn nhất của VN ở thị trường Nhật không phải là tăng trưởng XK, mà quan trọng hơn là thông qua hiệp định này hàng VN sẽ tạo được một vị thế mới trong XK ra thế giới. Vì đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của thị trường Nhật sẽ là cơ sở vững chắc cho sự có mặt của hàng VN tại thị trường các nước.

Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn Giải phóng