Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam: Đòi “trả lại” lộ trình hội nhập cho ngành giấy
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Quyết định 71/2008/QĐ-BTC, thuế suất thuế nhập khẩu giấy in báo giảm từ 32% xuống 20% và giấy in & viết giảm từ 32% xuống 25%. Lẽ ra, theo lộ trình đến năm 2012 mới phải thực hiện mức thuế này. Vì thế, ông Vũ Ngọc Bảo- Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA)- gọi đây là quyết định rút ngắn lộ trình hội nhập của ngành giấy.

Giấy ngoại lấn át giấy nội

Năm 2008, dù gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp giấy trong nước mà nòng cốt là Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai đã thực hiện việc kiềm chế giá bán trong suốt nửa đầu năm, dù giá bán giấy sản xuất trong nước thấp hơn giấy nhập khẩu 2-3 triệu đồng/tấn. Cũng tại thời điểm đó, ngành giấy đã chủ động đề nghị giảm thuế nhập khẩu giấy in viết và giấy in báo xuất xứ từ các nước ASEAN 5% để hỗ trợ người tiêu dùng.

Nhưng diễn biến thị trường giấy thay đổi bất ngờ từ giữa năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế thế giới ngày càng trầm trọng, giá bột giấy và giá giấy giảm nhanh và liên tục, lượng bột và giấy tồn kho ở đỉnh cao.

Ở Việt Nam, sau khi đạt đỉnh cao vào tháng 7/2008, sản xuất giấy trong nước giảm sút nhanh chóng. So với tháng 7/2008, sản xuất giấy từ tháng 8 đến tháng 11/2008 lần lượt là 90%, 69%, 55% và 31%. Dự báo sản xuất tháng 12 cũng chỉ bằng 26% so với tháng 7/2008. Như vậy, có khả năng 22.500 lao động sắp tới sẽ không có việc làm.

Tuy sản xuất giảm rất nhanh, nhưng lượng tồn kho giấy sản xuất trong nước lại tăng nhanh từ 2.000 tấn của tháng 8/2008 nay đã lên tới 140.000 tấn trong tháng 11/2008 (bằng 3 lần lượng sản xuất trung bình trong một tháng). Nhiều nhà máy đã đóng cửa, tạm thời dừng sản xuất hoặc phải đóng cửa vĩnh viễn. Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai cũng sẽ đóng cửa để bảo dưỡng sớm hơn lịch trình để tránh thời điểm xấu này.

Xuất khẩu giấy ngày càng giảm sút từ 12.000- 15.000 tấn/tháng, nay chỉ còn 1.000 tấn/tháng. Hầu hết các dự án đầu tư sản xuất bột giấy và giấy đã tuyên bố dừng, nhưng không cho biết thời gian khởi động lại, trừ dự án Nhà máy Bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy Kraft Vina (Thái Lan) vẫn triển khai nhưng sẽ không hoàn thành đúng kế hoạch.

Theo ông Vũ Ngọc Bảo, nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trên là do chính sách thuế bất cập, thể hiện trong 2 quyết định số 71/2008/QĐ-BTC ngày 1/09/2008 và Quyết định số 73 ngày 5/9/2009 của Bộ Tài chính sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng giấy trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo cam kết với WTO và có hiệu lực từ 15/9/2008 mà đáng nhẽ ra phải đến năm 2012 mới phải áp dụng thuế suất này.

Ngay sau khi có quyết định sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu, giấy từ Trung Quốc đã ồ ạt “tấn công” vào Việt Nam theo hai ngả: thẳng từ Trung Quốc sang và từ các cơ sở liên doanh của của Trung Quốc tại các nước ASEAN nhập vào Việt Nam. Vì thế, tỉ lệ giấy in báo nhập khẩu tăng nhanh, so với giấy sản xuất trong nước từ tháng 7 đến tháng 11/2008 lần lượt là 25%, 42%, 47%, 56% và 75% và tháng 12 dự báo tới 86%.

Đòi trả lại lộ trình

Hiệp hội Giấy Việt Nam cho rằng, năm 2009 sản xuất giấy trong nước tiếp tục giảm sút, nhập khẩu giấy vẫn sẽ lấn át sản xuất trong nước. Ở thời điểm này các chuyên gia phân tích không đủ dũng cảm đưa ra dự báo. Nhưng chắc chắn tình hình sẽ không thể sáng sủa hơn, nếu không có giải pháp. Nguy cơ sụp đổ một ngành sản xuất là rất lớn.

Vì thế VPPA đã nhiều lần có Văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phản đối quyết định 71/2008/QĐ-BTC ngày 1/09/2008 và Quyết định số 73 ngày 5/9/2009 của Bộ Tài chính, nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời.

Ngày 25/11, tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước, ông Vũ Ngọc Bảo một lần nữa lên tiếng phê phán việc điều chỉnh chính sách thuế chậm chạp của Bộ Tài chính và đòi “trả lại” lộ trình gia nhập cho ngành giấy, với 5 kiến nghị: Một là, tăng thuế nhập khẩu giấy in viết từ 0 lên 5% và giấy in báo từ 3% lên 5% đối với các loại giấy in viết và giấy in báo xuất xứ từ các nước ASEAN (Quyết định 73/2008/QĐ-BTC ngày 05/09/2009). Hai là, đề nghị điều chỉnh lại toàn bộ mã hàng trong Quyết định số 71/2008/QĐ-BTC với mức thuế suất nhập khẩu chỉ giảm so với thuế suất nhập khẩu theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC là 1-3% áp dụng trong 2009 theo đúng các nguyên tắc mà Bộ Tài chính nêu ra. Ba là, cũng theo nguyên tắc trên, các mặt hàng giấy khác điều chỉnh giảm 1-3% theo đúng lộ trình đã cam kết so với thuế suất nhập khẩu theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC. (Theo Quyết định 71: thuế suất thuế nhập khẩu giấy in báo giảm từ 32% xuống 20% và giấy in & viết giảm từ 32% xuống 25%). Bốn là, giảm thuế giá trị gia tăng đối với bột giấy và giấy các loại từ 10% xuống 5%, riêng giấy in báo từ 5% xuống 0%. Năm là, ap dụng thuế giá trị gia tăng là 0% đối với giấy loại thu gom trong nước và có chính sách khuyến khích thu gom giấy và tái chế giấy.

Thường trực Tổ điều hành cho biết, sẽ trình kiến nghị của các ngành, trong đó có ngành giấy lên Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất và lưu thông.

Nguồn: Báo điện tử Công thương