Hội thảo dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có đại diện của các cơ quan ở Trung ương như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, đại diện Sở giao thông của các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Phòng… về phía nước ngoài có đại diện của Ngân hàng Thế giới, các công ty tư vấn trong lĩnh vực giao thông vận tải, thuỷ lợi.

Mục tiêu của Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách tăng tính hiệu quả của cơ sở hạ tầng giao thông trong vùng đồng bằng Bắc Bộ một cách tổng hợp và an toàn thông qua việc sử dụng các phương tiện vận tải đa phương thức. Trong đó, vận tải đa phương thức là vận chuyển hàng và hành khách từ điểm đầu đến điểm cuối có sử dụng các phương thức vận tải khác nhau: hàng không, đường bộ, đường thuỷ và đường ống; cảng, trung tâm phân phối, cảng khách, các phương tiện như xe tải và tàu thuỷ, xếp dỡ hàng hoá và lưu kho…

Tại Hội thảo, các phương án phát triển cơ sở giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ được đưa ra xem xét: nâng cấp quốc lộ 17A; nâng cấp các tuyến đường thuỷ nội địa làm trục chính của hệ thống vận tải; xây dựng trung tâm kho vận và phân phối.

Về vận tải đường thuỷ, theo đánh giá của các chuyên gia, mạng lưới đường thuỷ chính là xương sống của hệ thống giao thông vận tải trong khu vực dự án, tuy nhiên, hiện nay thị phần vận tải đường thuỷ đang giảm đi so với vận tải đường bộ bởi thực tế cho thấy các công trình hạ tầng của các khu vực trong phạm vi dự án chưa đáp ứng được yêu cầu, công suất cảng chưa cao, thiếu chính sách phát triển cảng rõ ràng, cũng như chiến lược và khung thể chế chưa đồng bộ giữa các tỉnh, năng lực cưỡng chế thi hành còn hạn chế.

Về kho vận và phân phối, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy dịch vụ kho vận tiên tiến sẽ làm tăng chi phí vận tải nhưng lại làm giảm chi phí hàng tồn kho, dịch vụ này phù hợp với những sản phẩm có giá trị cao vì vậy các công ty thường thuê nhà cung cấp dịch vụ kho vận thứ ba thực hiện dịch vụ này. Hiện nay ở nước ta ngành dịch vụ hậu cần này đang trong giai đoạn mới phát triển, thiếu các yếu tố kích cầu, khu vực bán lẻ tập trung chủ yếu các cửa hàng nhỏ với vài siêu thị và cửa hàng bán lẻ quy mô lớn, năng lực và kinh nghiệm của các công ty vận tải và giao nhận còn hạn chế, bên cạnh đó, các công ty sản xuất có vốn nước ngoài thường sử dụng dịch vụ kho vận tiên tiến cho các hoạt động của mình tại Việt Nam. Do vậy, chỉ có Hà Nội là có nhu cầu xây dựng trung tâm kho vận và phân phối trong giai đoạn phát triển đầu tiên này.

Để đảm bảo tính khả thi của Dự án này, các nhà tư vấn đã đưa ra các đánh giá, phân tích về kinh tế, tác động môi trường, xã hội để các đại biểu thảo luận.

Hội thảo là dịp tốt để các đại biểu của các tỉnh, thành phố trong phạm vi dự án trao đổi nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án, đưa dự án sớm đi vào hoạt động; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững của cả nước nói chung và khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.

Nguồn: MOJ