Hôm nay: Chất vấn bộ trưởng Bộ GTVT (17/11/2007 )
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ hoàn tất phần trả lời của mình, tiếp đó lần lượt là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Các vấn đề dành cho ông Phát là chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, quan điểm về nuôi dưỡng động vật hoang dã, chính sách hỗ trợ nông dân khi bãi bỏ trợ giá hàng vật tư sản xuất nông nghiệp… Chất vấn đối với ông Hoàng là tình trạng nhập siêu, biện pháp giải quyết, trách nhiệm trong việc để nhập xăng bẩn, bán giá cao, chiến lược phát triển ngành ôtô, giá ôtô bất hợp lý…

Phát biểu “đề dẫn” phiên chất vấn chiều qua, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết đã có 230 câu hỏi của 107 đại biểu (ĐB) QH gửi các thành viên Chính phủ, nội dung liên quan tới 21 bộ ngành và riêng Thủ tướng nhận được 17 chất vấn. Chủ tịch QH đề nghị ĐB QH và các bộ trưởng – nhất là những vị lần đầu tiên tham gia chất vấn và trả lời chất vấn – thể hiện tinh thần “thẳng thắn, dân chủ, chân tình, xây dựng, cầu thị, tôn trọng lẫn nhau”.

Ông nói: “Nội dung câu chất vấn cần chọn lọc, thích đáng, đúng tầm, không quá chung chung trừu tượng, cũng không quá vụn vặt sự vụ tầm địa phương. Hỏi ngắn gọn, sắc bén, không cần diễn giải, nếu chưa hài lòng thì có thể hỏi tiếp; trả lời cũng ngắn gọn, súc tích, không vòng vo kể lể, né tránh và đặc biệt là không báo cáo thành tích, không đọc báo cáo theo kiểu giải trình, phân bua, thanh minh.

Thời gian cho mỗi câu hỏi là 1-2 phút và câu trả lời là 4-5 phút. Bình quân mỗi bộ trưởng có từ 90-100 phút, trong đó phần báo cáo kết quả thực hiện lời hứa hoặc nêu những vấn đề chính chỉ 15-20 phút”.

* Sáng qua, QH thảo luận ở tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII và năm 2008, dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2008.

ĐB Trương Thị Ánh và Đặng Ngọc Tùng (đoàn TP.HCM) đều nhất trí yêu cầu bộ phận soạn thảo cần tiếp tục nâng cao chất lượng làm luật để tránh mất thời gian tại nghị trường. Trước tình hình đình công của công nhân ngày càng phức tạp, theo hai ĐB này, cần phải đưa Luật tiền lương tối thiểu, dự án sửa Luật công đoàn (đã làm hơn mười năm) vào chương trình chính thức.

Trong khi đó, ĐB Ngô Minh Hồng căn cứ trên tình hình thực tiễn và để đảm bảo việc làm luật đạt chất lượng, đề nghị đưa ra khỏi chương trình làm luật bốn dự án luật: Luật công vụ, Luật thủ tục hành chính, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật đăng ký giao dịch bảo đảm.

Còn ĐB Phạm Phương Thảo (chủ tịch HĐND TP.HCM) cho rằng nếu không đưa một số luật, nghị quyết vào chương trình QH khóa XII sẽ rất khó cho sự phát triển của TP.HCM cũng như các thành phố lớn khác như Luật nhà ở, Luật xây dựng (thủ tục xây dựng quá nhiêu khê). Đặc biệt, bà Thảo nhấn mạnh: QH cần ra nghị quyết cho phép TP.HCM thành lập chính quyền đô thị và nên thông qua ngay tại kỳ họp thứ 3, chậm nhất là kỳ 4, để tạo điều kiện cho TP phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.

Đối với chương trình giám sát, ĐB Trần Đông A kiến nghị nên đặc biệt giám sát chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo ĐB Trần Đông A, hiện nhiều bệnh viện cứ đến 11g hoặc cùng lắm là 15g đã đóng cửa phòng mổ công để… mổ theo dịch vụ. “Như vậy, nhiều bệnh viện công còn… tư cả hơn bệnh viện tư. Nếu cứ thế này sẽ không bao giờ có các nhà thương từ thiện dành cho người nghèo” – ông A nói.

Theo Báo Tuổi trẻ