Hơn 9.500 dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong số này, hiện có 8.590 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 83 tỷ USD.

Luật Đầu tư Nước ngoài ban hành năm 1987 là một trong những đạo luật đầu tiên của thời kỳ Đổi mới và được cộng đồng quốc tế đánh giá là một đạo luật thông thoáng, hấp dẫn, về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sự ra đời của đạo luật này cùng với việc tích cực sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy lượng vốn đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2003 đến nay. Riêng hai năm 2006 và 2007, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vượt bậc với sự xuất hiện của nhiều dự án quy mô lớn, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp nặng và dịch vụ.

Vốn đầu tư nước ngoài theo cơ cấu ngành, vùng cũng có những thay đổi tích cực. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đang dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài, chiếm 66,8% số dự án, trên 60% vốn đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 22% số dự án và 34,4% vốn đăng ký.

Hai trung tâm kinh tế lớn nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện đang giữ vị trí thứ nhất và thứ hai trong danh sách 10 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong hơn 2.220 dự án đầu tư vào khu vực phía Bắc giai đoạn 1998-2007, với tổng vốn 24 tỷ USD, Hà Nội chiếm 44,5% về số dự án và 51% về vốn đầu tư.

Còn ở các tỉnh phía Nam, trong 5.452 dự án có số vốn đăng ký là 46,8 tỷ USD, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 44% về số dự án và 35,4% về vốn đăng ký.

Mặc dù chỉ đứng thứ 7 trong danh sách trên, song với những tiến bộ vượt bậc về thu hút đầu tư nước ngoài, Phú Yên đang dẫn đầu các tỉnh miền Trung với 39 dự án, tổng vốn gần 2 tỷ USD.

Hiện có 80 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó các nước châu Á chiếm 68% số dự án, các nước EU chiếm 16,2% và các nước châu Mỹ chiếm 11%. Năm 2007 là năm thứ 2 liên tiếp, Hàn Quốc giữ vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với 1.837 dự án, tổng vốn đăng ký trên 13,5 tỷ USD; tiếp đến lần lượt là Xinhgapo, Đài Loan và Nhật Bản.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch Đầu tư, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực phát triển năng động nhất và ngày càng có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù cơ hội thu hút đầu tư đang rộng mở, song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức mà nổi cộm nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao và thủ tục hành chính còn phức tạp. Hiện các cơ quan chức năng Việt Nam đang tập trung giải quyết những khó khăn này nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với việc thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam còn tích cực triển khai nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài. Hiện Việt Nam đã có 249 dự án đầu tư ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 1,4 tỷ USD./.

Theo TTXVN