Hướng tới nguồn vốn nước ngoài
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Theo nhiều chuyên gia, nguồn vốn từ ngân hàng cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng sẽ chưa dễ cải thiện ngay vì Chính phủ Việt Nam còn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng để kiềm chế lạm phát. Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết các ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay đối với khách hàng hoạt động trong sản xuất hàng xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, bà Xuyến cũng thừa nhận việc Ngân hàng Nhà nước quy định mức tăng trưởng tín dụng tối đa 30% so với năm 2007 cũng là khó khăn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Một trong những nguồn vốn đang được hướng tới cho các doanh nghiệp trong nước là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua các nhà đầu tư tổ chức. Theo ông Spencer White, cố vấn chiến lược Công ty chứng khoán Thiên Việt, việc thu hút các nhà đầu tư tổ chức sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như giúp các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả nhiều hơn và chi phí giảm đi. “Lượng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam những năm qua luôn ở khoảng 7,5 – 7,8 tỉ USD/năm. Tuy nhiên trong thời gian tới, nếu Chính phủ không đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thì sẽ khó thu hút được mạnh hơn nguồn vốn này”, ông Spencer White nói.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm 2008 đạt con số 31,6 tỉ USD (tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2007) và vốn thực hiện cũng đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay – đạt gần 5 tỉ USD, là những con số khá ấn tượng. Ông David Đỗ, Giám đốc Vietnam Investment Group, cho biết lượng vốn giải ngân thông thường sẽ đạt 25% so với nguồn vốn đăng ký. Ông hy vọng trong thời gian tới, các công ty nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam vì họ vẫn nhìn thấy tiềm năng phát triển của các công ty trong nước. Theo phân tích của ông David Đỗ, lợi nhuận của nhiều công ty tại Việt Nam thường thấp hơn các doanh nghiệp ở những nước trong khu vực vì hầu hết chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, “tầm vóc” chưa đủ lớn. Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét tiềm năng mở rộng, phát triển của công ty đó để tham gia vào. “Cách đây 10 năm, kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh và thời kỳ đó sẽ quay lại vì nền kinh tế có chu kỳ của nó. Những nhà đầu tư mới sẽ có đủ kiên nhẫn để lựa chọn những công ty có đội ngũ quản lý tốt để đầu tư”, ông David Đỗ nhận định.

Do đó, các công ty trong nước muốn thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài thì theo ông David Đỗ, phải xây dựng được mô hình quản trị công ty tốt, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thị Minh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, cho biết mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản trị điều hành công ty nhưng rất sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài và sẵn sàng hội nhập với kinh tế thế giới.

Nguồn: Báo Thanh niên điện tử