Huy động vốn giảm, tiền tiết kiệm chuyển sang chứng khoán
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đến cuối tháng 8/2008, tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 388 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2007 (trong số này vốn của tỉnh Hà Tây cũ chỉ chiếm 3,1%). 

Đáng chú ý là trong khi nguồn tiền gửi ngoại tệ tăng mạnh (26,57%) thì tiền gửi VND giảm (-6%)  và  tiền gửi các tổ chức giảm (-3%) so với cuối năm 2007. 

Nguyên nhân do tiền tiết kiệm của dân cư trong bối cảnh lạm phát cao không còn nhiều, tiền gửi thanh toán giảm vì lãi suất vay cao, khó vay ngân hàng nên doanh nghiệp cố gắng tận dụng tối đa những nguồn vốn tự có để sản xuất – kinh doanh. 

Hiện nay, tuy lãi suất tiền gửi VND cao nhất, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đã hạ nhưng lãi suất ở các kỳ hạn tháng (từ 1 đến 9 tháng) vẫn ở mức khá cao, từ 17,5%-18,7%/năm. Tuy nhiên, theo một số ngân hàng thì VND vẫn ít gửi vào các tổ chức tín dụng. 

Đặc biệt trong 2 tuần nay TTCK tăng trưởng mạnh đã khiến một luồng vốn khá lớn từ ngân hàng chuyển sang kênh chứng khoán. Mặc dù vốn kinh doanh chứng khoán vẫn phải qua quỹ ngân hàng, nhưng đây là nguồn tiền gửi không kỳ hạn nên vẫn khó khăn cho các ngân hàng trong kế hoạch sử dụng vốn, đặc biệt là bố trí vốn cho vay trung và dài hạn.  

Trong những tháng cuối năm, tiền gửi  VND của các tổ chức tín dụng nếu có tăng thì mức tăng cũng rất thấp. Ngoài nguyên nhân do tiền nhàn rỗi trong xã hội không còn nhiều, còn có nguyên nhân nhu cầu sử dụng vốn để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của doanh nghiệp cao, nhu cầu chi tiêu của người dân cao. Vì vậy, để thu hút được vốn, các ngân hàng sẽ không giảm mạnh lãi suất tiền gửi VND, kể cả khi lãi suất cơ bản tháng 9 giảm.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet