IFC: Bình quân mỗi DN mất 131 ngày để nộp thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngay tại cuộc gặp của Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC và Tổng cục Thuế tại Hà Nội hôm 17-7, IFC công bố Báo cáo môi trường kinh doanh mới của họ, trong đó có thời gian cho một doanh nghiệp làm thủ tục đóng thuế tại Việt Nam hiện tại là 1050 giờ, gấp 3 lần mức trung bình trong khu vực.

Bản báo cáo cho rằng, thời gian như vậy ảnh hưởng nhiều đến môi trường kinh doanh, quyết định đầu tư và việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Do vậy, việc đơn giản hóa và minh bạch các thủ tục nộp thuế phải được đặt lên hàng đầu đối với phía nhà nước và doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí về kết quả khảo sát nói trên, bà Nguyễn Duyên, Phó ban cải cách thuế (Tổng cục thuế) nói rằng, Tổng cục Thuế đã có trả lời chính thức cho IFC về những con số nêu trên.

Theo đó, trong 1050 giờ dành cho việc đóng thuế mà IFC công bố, có hơn 200 giờ dành cho thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội (lĩnh vực không thuộc thuế), phải được trừ đi. Hơn 800 giờ còn lại dành cho việc thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế nội địa và thuế hải quan. Con số này đã bị nhân đôi lên do trùng lắp về thời gian mà doanh nghiệp lập báo cáo tài chính và kiểm toán.

Bà Duyên còn cho rằng, phương pháp điều tra của IFC là không có thật, không dựa trên doanh nghiệp thực tế mà là thực hiện giả định về việc thực hiện pháp luật thuế với thời gian dành tương đương một doanh nghiệp cỡ vừa của Việt Nam nên không phản ánh được thời gian chi phối cho việc thực hiện thuế của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Geoff Walton, chuyên gia về chính sách đầu tư của IFC khẳng định vẫn giữ nguyên quan điểm về chi phí thuế đối với doanh nghiệp ở Việt Nam là rất cao và thời gian rất dài. Cho nên, mục đích của chương trình hợp tác giữa IFC và Tổng cục Thuế không gì hơn ngoài mục đích giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam có được một chính sách thuế và quy trình thuế đơn giản. Điều này nhằm hạn chế thấp nhất chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp, thúc đẩy môi trường quản trị và kinh doanh ngày càng minh bạch.

Cùng ngày, IFC đã ký một biên bản ghi nhớ cùng hợp tác với Tổng cục Thuế nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp SMES của Việt Nam. Ngoài mục đích cải thiện khuôn khổ pháp lý thuế cho đầu tư và kinh doanh, chương trình kéo dài trong 30 tháng (bắt đầu từ tháng 7-2008) sẽ giúp nâng cao mức độ tuân thủ tự nguyện và qua đó khuyến khích các doanh nghiệp phi chính thức chuyển đổi sang hoạt động chính thức.

Theo bà Lê  Hồng Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Việt Nam hiện có khoảng 180 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực kinh tế chủ lực này mỗi năm thu hút thêm hơn 1 triệu lao động nhưng vì các lý do khác nhau, việc tiếp cận và thực hiện các nghĩa vụ về thuế còn thấp và không rõ ràng.

Để tăng cường tính hiệu quả của hệ thông quản lý thuế, IFC sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá các chi phí tuân thủ pháp luật thuế đối với SMEs tại Việt Nam, phân tích các nguyên nhân gây ra gánh nặng tuân thủ thuế không cần thiết đối với các đối tượng này, đề xuất các thay đổi và các định các biện pháp quản lý phù hợp.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online