Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008: Ưu tiên cho dự án hiệu quả cao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Thưa ông, xin ông cho biết kết quả kiểm tra việc triển khai sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008?

Theo kết quả tổng hợp của chúng tôi, hiện nay, tổng số công trình, dự án (sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) hoãn khởi công mới năm 2008, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án với tổng số vốn là 5.992 tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch năm 2008. Trong đó, số dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện là 1.203 dự án với số vốn đã bố trí kế hoạch năm 2008 là 1.881 tỷ đồng; số dự án giãn tiến độ thực hiện là 765 dự án với số vốn là 4.111 tỷ đồng.

– Một vấn đề đã được nói tới khá nhiều, đó là tình trạng đầu tư ngoài lĩnh vực chính của các tập đoàn, Tcty nhà nước. Vậy thực tế cắt giảm đầu tư của khu vực này như thế nào trong lần “thanh lọc” vừa qua?

Theo báo cáo và kết quả kiểm tra ở 15 tập đoàn và Tcty, các tập đoàn đã cắt giảm 761 dự án với tổng giá trị 18.944 tỷ đồng, chiếm 7,77% tổng vốn đầu tư theo kế hoạch ban đầu; cắt giảm, hoãn khởi công và giãn tiến độ đối với 242 dự án với tổng giá trị là 10.422 tỷ đồng, chiếm 4,24% tổng vốn đầu tư theo kế hoạch ban đầu.

Đáng chú ý, một số tập đoàn, Tcty có giá trị cắt giảm lớn, chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư của tập đoàn, Tcty đó như Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (65% – 6.500 tỷ đồng); Tcty Hàng hải (52,36% – 6.214 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không tính tới những dự án quá cụ thể mà muốn biết được tổng thể đầu tư của khu vực DNNN, những chỉ số cơ bản về tài sản cũng như là vốn vay so với tài sản vốn pháp định của các DNNN để từ đó chúng ta thấy rằng sự bảo toàn của vốn vay như thế nào mới là quan trọng. Thông qua những chỉ số đó, chúng tôi kiến nghị giải pháp với Chính phủ. Một số vấn đề cấp thiết dùng để điều chỉnh chung sẽ được chuyển thành quy phạm pháp luật.

– Cụ thể, đó là những vấn đề gì, thưa ông?

Ví dụ, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung điều lệ các Cty mẹ trong các tập đoàn kinh tế, Tcty theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của Hội đồng quản trị tập đoàn, Tcty; giảm thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Hội đồng quản trị theo hướng quy định cụ thể tỷ lệ cùng với mức cụ thể về giá trị của dự án và tổng giá trị đầu tư phát triển trong năm.

Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại định hướng đầu tư, góp vốn tại Đề án hình thành tập đoàn kinh tế của các tập đoàn theo hướng cắt giảm, đình hoãn kế hoạch đầu tư tăng tài sản cố định không cấp thiết hoặc tính khả thi thấp, kế hoạch đầu tư thành lập mới các Cty thành viên, kế hoạch góp vốn vào các Cty khác, đặc biệt là góp vốn vào các Cty tài chính, ngân hàng.

Trong thời gian tới, các tập đoàn, Tcty vẫn tiếp tục rà soát, cắt giảm, đình hoãn và giãn tiến độ các dự án đầu tư chưa thật cấp thiết, các dự án kém hiệu quả. Đồng thời, cần triển khai ngay việc xây dựng kế hoạch điều chỉnh, bố trí lại vốn đầu tư phát triển 6 tháng cuối năm 2008, trong đó cần chú ý tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, những dự án sắp hoàn thành, mang hiệu quả cao để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

– Sau khi có danh sách cắt giảm, đình hoãn và giãn tiến độ các dự án đầu tư thì việc giám sát thực hiện như thế nào?

Bộ KH-ĐT được giao chủ trì tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kiểm tra việc thực hiện bố trí sử dụng các nguồn vốn có được từ việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình này của các bộ, ngành, địa phương. Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND cấp tỉnh trực tiếp giám sát việc thực hiện cắt giảm và bố trí lại nguồn vốn từ nay đến cuối năm.

– Thưa ông, vậy những vấn đề nào cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới?

Đoàn kiểm tra của Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát lại kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 theo Quyết định 390/QĐ-TTg với tinh thần kiên quyết đình hoãn, ngừng khởi công và giãn tiến độ các dự án chưa thật cấp bách để bổ sung nguồn vốn bù đắp cho phần trượt giá của các dự án cấp bách và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2008.

Đồng thời, cần kiên quyết đình hoãn, chưa triển khai trong năm 2008 đối với các dự án thuộc nhóm trụ sở cơ quan, các dự án xây dựng các khu vui chơi, văn hoá để tập trung cho các công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2008 nhằm sớm đưa vào sử dụng.

– Xin cảm ơn ông.

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp